Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất gia có phải là để trốn tránh đau khổ?

Sống cuộc đời người xuất gia không phải là để trốn tránh đau khổ mà là để chiến thắng khổ đau. Muốn chiến thắng khổ đau thì phải can đảm đương đầu với khổ đau, đừng sợ hãi khổ đau.

Đạo Phật phải hiện hữu trong cuộc đời thực tại, để giải quyết những vấn đề thực tại. Người Phật tử, Tăng Ni cũng như Cận sự, phải mang lý tưởng Bồ tát, đem giáo pháp đi sâu vào cuộc đời không ngại gian lao khổ nhục.

xuat gia anh 1

Ảnh: Jose Cardoso.

Đừng biến đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son, có điện ngọc thâm u. Đừng biến Tăng sĩ thành những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng dường thiếu ý thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người. Đừng để người Phật tử hiểu rằng Phật - Pháp - Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu giữa cuộc đời đau khổ.

Người Phật tử lý tưởng

Phải thực hiện tất cả những hình thức sinh hoạt nào có thể để chứng minh rằng đạo Phật hiện hữu trong cuộc đời để giải phóng cho con người. Người Phật tử lý tưởng là con người tự nguyện sống đồng lao cộng khổ giữa xã hội loài người, biết mang hình bóng của vị Bồ tát mà đi vào cuộc đời để khai thị chân lý và làm vơi đi những niềm đau khổ.

Khi nói đến "phiền não tức bồ đề" các vị Cao Tăng ngày xưa đã nhận thức rằng chính trong khổ đau con người mới tìm ra an lạc. Nói thế không có nghĩa là cứ để bản thân trôi nổi trong biển khổ đau rồi một ngày kia sẽ được an lạc hạnh phúc đâu. Nói thế có nghĩa là phải can đảm nhìn nhận đau khổ, giải quyết vấn đề đau khổ, không trốn tránh những khổ đau của cuộc đời một cách hèn nhát.

Chán nản cuộc đời, vào cửa Phật để tìm chốn an thân, điều đó không hẳn là đáng trách; nhưng bản hoài của Đức Thế Tồn khi lập giáo không phải chỉ hướng đến một mục đích tầm thường và hẹp hòi như thế.

Sống cuộc đời người xuất gia không phải là để trốn tránh đau khổ mà là để chiến thắng khổ đau. Mà muốn chiến thắng khổ đau thì phải can đảm đương đầu với khổ đau, đừng sợ hãi khổ đau, bởi vì không có ai sợ địch mà thắng được địch bao giờ.

Ở đây, khổ đau lại là nhân duyên tạo nên an lạc và giải thoát, cũng như hoa sen thơm ngát và tinh khiết đã mọc lên từ bùn lầy tanh hôi. Lý tưởng đẹp nhất là giải trừ đau khổ cho mọi người mọi loài, giải phóng họ ra khỏi tình trạng bi thảm đau thương trong đó họ đang sống.

Nhưng một lý tưởng như thế chỉ có thể nuôi dưỡng và thực hiện bằng một lòng thương. Mà chỉ khi nào con người biết khổ đau thì con người mới biết thành thực thương nhau để cứu giúp nhau ra khỏi tình trạng đau khổ.

Ca tụng khổ đau không phải là ca tụng cuộc đời trầm luân khổ ải mà là xác nhận tính cách cần thiết của những chất liệu lý tưởng. Phải gần gũi khổ đau để được tiếp xúc thường xuyên với "đệ nhất khổ để," chân lý căn bản của Tứ diệu đế.

Có như thế ta mới hiểu được đoạn văn này trong Luận Bảo Vương Tam Muội:

"Đức Phật thiết lập chánh pháp lấy khổ đau làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai gốc làm giải thoát, lấy ma quân làm bạn đạo, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ phản nghịch làm người giao du, lấy sự tri ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế cho nên, người Phật tử ở trong chướng ngại mà vượt qua được mọi chướng ngại".

Các bậc Bồ tát đã lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, đã lấy chất liệu khổ đau để nuôi dưỡng lý tưởng, đã làm nở hoa giải thoát trên miếng đất tam giới nhiễm ô.

Thích Nhất Hạnh/Thaihabooks/NXB Văn hóa dân tộc

Bình luận

SÁCH HAY