Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đức trục xuất quan chức tình báo Mỹ vì bê bối gián điệp

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Berlin bị Đức yêu cầu rời nước này, trong một động thái thể hiện sự giận dữ vì hai bê bối gián điệp gần đây.

Cả Đức và Mỹ đều chưa tiết lộ tên của quan chức tình báo nói trên. Một nguồn tin Đức cho biết ông này có thể bị buộc trục xuất nếu không tự nguyện rời đi.

a
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị nghe lén. Ảnh: AP

Berlin hôm qua tuyên bố phát hiện một điệp viên bị nghi là làm việc cho Mỹ tại Bộ Quốc phòng. Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một nhân viên tình báo người Đức bị bắt vì bị tình nghi làm việc cho CIA và đã thừa nhận chuyển nhiều tài liệu cho phía Mỹ.

"Thực hiện hành vi gián điệp với các đồng minh chỉ tốn công vô ích mà thôi", Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay. "Chúng ta có quá nhiều vấn đề, chúng ta nên tập trung vào những điều quan trọng".

Bê bối nghe lén vừa bị phát giác gần đây đã đẩy quan hệ Đức - Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ khi Mỹ đưa quân vào Iraq hồi năm 2003. Theo thông tin mà Berlin có được, Thủ tướng Merkel thậm chí cũng nằm trong số hàng ngàn người Đức bị các điệp viên Mỹ nghe lén điện thoại.

Từ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng cho hay: "Quan hệ tình báo và an ninh của chúng tôi với Đức là rất quan trọng và nó giữ cho hai nước được an toàn. Việc giữ cho sự hợp tác này tiếp tục phát triển là vô cùng quan trọng". Tuy nhiên, phát ngôn viên này từ chối bình luận về những thông tin liên quan tới bê bối gián điệp.

Đại sứ quán Mỹ và văn phòng của bà Merkel chỉ cách nhau vài trăm mét. Hai tòa nhà nằm về hai phía đông và tây của Bức tường Berlin ngày nào, một biểu tượng của sự chia cắt mà Đức vẫn cho rằng đồng minh Mỹ góp công gỡ bỏ.

Sự giận dữ của dư luận đối với những bê bối gián điệp gần đây đã tạo sức ép với Thủ tướng Merkel trong việc phải có hành động đối với Mỹ. Tuy nhiên, cả hai nước vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của việc cùng hợp tác chặt chẽ. Đức và Mỹ luôn tìm thấy điểm chung trong các vấn đề quan trọng những năm gần đây, ví dụ như những vấn đề liên quan tới Iran hay Ukraine.

Thành Nam

Bạn có thể quan tâm