Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: National Interest. |
"Những tên lửa Patriot là một phần của hệ thống phòng không tích hợp của NATO, có nghĩa rằng chúng chỉ được triển khai trong lãnh thổ các nước NATO", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói. "Việc sử dụng ngoài lãnh thổ NATO phải được thảo luận trước với các nước thành viên và đồng minh".
Tuyên bố của bà Lambrecht được đưa ra sau đề nghị của người đồng cấp Ba Lan Mariusz Blaszczak, sau khi ông yêu cầu gửi các tên lửa Patriot đến Ukraine, Reuters đưa tin ngày 24/11.
"Tôi đã yêu cầu phía Đức để chuyển các tổ hợp Patriot đến biên giới miền Tây Ukraine", ông Blaszczak viết trên Twitter.
Đức đã chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ba Lan nhằm bảo vệ không phận, sau khi một tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan ở miền Đông khiến 2 người thiệt mạng hồi tuần trước.
Hôm 22/11, Ba Lan cho biết sẽ đề xuất triển khai thêm tên lửa Patriot đến sát biên giới với Ukraine.
Hệ thống Patriot là tổ hợp phòng không mặt đất được thiết kế để đánh chặn tên lửa. Tuy nhiên, số lượng tổ hợp Patriot hiện nay đã giảm kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi nhiều quốc gia NATO cho rằng họ sẽ không còn gặp nhiều mối đe dọa tên lửa.
Đức từng có 36 tổ hợp Patriot khi là tuyến đầu của NATO trong Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, nước này còn 12 chiếc, với hai tổ hợp được triển khai ở Slovakia.