Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ Ba Lan đảm bảo không phận, với máy bay chiến đấu Eurofighter và hệ thống phòng không không Patriot”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay.
Patriot là hệ thống phòng không được dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình và các loại chiến đấu cơ tiên tiến.
NATO đã tăng cường phòng không ở Đông Âu kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Hơn một chục đồng minh NATO do Đức dẫn đầu đã khởi động sáng kiến mua chung các hệ thống phòng không bảo vệ nhiều lớp, bao gồm cả Patriot.
Vào thời điểm Chiến tranh Lạnh, Đức có 36 đơn vị Patriot. Hiện tại, nước này chỉ nắm 12 tổ hợp, 2 trong số đó triển khai ở Slovakia.
Trước đó, Mỹ, NATO và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác khẳng định họ tin vụ tên lửa rơi ở Ba Lan hôm 15/11 có thể do lực lượng phòng không Ukraine thực hiện để chống lại cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Trong khi đó, tổng thống Ukraine hôm 16/11 khẳng định tên lửa rơi khiến hai người Ba Lan thiệt mạng là của Nga. Tuy nhiên, Nga phủ nhận liên quan đến vụ việc này.
"Với sự cố ở Ba Lan, Nga không liên quan gì", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. "Thực tế, một vài quan chức cấp cao ở các quốc gia đang ra tuyên bố mà không biết chuyện gì đang xảy ra hay nguyên nhân từ đâu", TASS đưa tin.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.