Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự luật 'Chỉ nói có mới là đồng thuận' ở Tây Ban Nha nghĩa là gì?

Dự luật “Only yes means yes” được coi sẽ là “cú hích” làm thay đổi nền tảng pháp lý cho các phán quyết của tòa án Tây Ban Nha đối với hành vi bạo lực tình dục.

Vào tháng 5, Hạ viện Tây Ban Nha thông qua dự luật Đảm bảo Tự do Tình dục, thường được gọi là "Only yes means yes", sau hàng loạt chỉ trích về việc xét xử các vụ tấn công tình dục tại nước này.

“Phụ nữ cuối cùng sẽ có luật đảm bảo quyền tự do tình dục của họ. Chính phủ và phe nữ quyền chiếm đa số trong Quốc hội sẽ khiến đất nước của chúng ta trở thành một nơi tự do hơn đối với nữ giới”, bà Irene Montero, Bộ trưởng Các vấn đề bình đẳng xã hội, cho biết.

bao luc tinh duc o Tay Ban Nha anh 1

Người dân Tây Ban Nha biểu tình sau vụ án "bầy sói ở Manresa". Ảnh: AP.

“Only yes means yes” là gì?

Dự luật "Only yes means yes" không yêu cầu các nạn nhân phải cung cấp bằng chứng cho thấy họ bị bạo lực tình dục hoặc thể chất. Thay vào đó, bất cứ hành vi nào không có sự đồng thuận sẽ bị coi là tấn công tình dục.

Theo đó, Tây Ban Nha sẽ điều chỉnh luật hình sự dựa trên một mô hình lấy sự đồng thuận làm trọng tâm. Và sự đồng thuận này chỉ được công nhận khi một người thể hiện ý chí rõ ràng trước một hành vi tình dục. Sự im lặng hoặc thụ động không được coi là đồng thuận.

Dự luật quy định những gì?

Theo luật hiện tại, nạn nhân bị tấn công tình dục buộc phải đưa ra bằng chứng cho thấy hành vi tấn công, đe dọa hoặc chống cự.

BBC nhận định điều này cho thấy bóng ma của chế độ gia trưởng vẫn còn tồn tại ở Tây Ban Nha. Trong đó, phụ nữ bị coi là đối tác tình dục thụ động và việc kết tội những kẻ hiếp dâm gần như là không thể.

Tuy nhiên, theo dự luật mới, định nghĩa về bạo lực tình dục ở Tây Ban Nha đã được mở rộng hơn. Hành vi được coi là bạo lực tình dục bao gồm các trường hợp: Cắt bộ phận sinh dục nữ, cưỡng ép kết hôn, quấy rối tình dục và buôn bán người để bóc lột tình dục.

Bên cạnh đó, các hành vị bạo lực tình dục được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số, bao gồm phổ biến các hành vi bạo lực tình dục, nội dung khiêu dâm không có sự đồng thuận và tống tiền tình dục thông qua các phương tiện công nghệ, cũng sẽ bị “đặc biệt chú ý”, theo India Express.

Dự luật cũng tuyên bố rằng tội phạm hiếp dâm và tấn công tình dục sẽ được xem xét dưới cùng một mục đích và bị xử lý với cùng một mức độ nghiêm ngặt.

Trong trường hợp thủ phạm sử dụng một chất gây nghiện, chẳng hạn ma túy hoặc bất kỳ chất hóa học nào, để đạt được sự đồng thuận từ nạn nhân, họ cũng sẽ bị trừng phạt.

Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định hình phạt đối với bất kỳ ai “có biểu hiện, hành vi hoặc lời nói mang tính tình dục với một người khác, tạo ra tình huống làm nhục, xúc phạm hoặc đe dọa nạn nhân một cách có chủ đích, dù không cấu thành tội danh nghiêm trọng”.

Hung thủ phải chịu những hình phạt nào?

Theo dự luật “Only yes means yes”, quan hệ tình dục không có sự đồng thuận sẽ bị coi là tấn công tình dục với mức phạt tù lên tới 15 năm.

Dự luật cũng yêu cầu trẻ vị thành niên có hành vi bạo lực tình dục bắt buộc phải được đào tạo về bình đẳng giới và giáo dục giới tính.

Bên cạnh đó, việc phát tán hoặc chia sẻ lại những bức ảnh thân mật mà không có sự đồng ý của những người trong ảnh cũng sẽ bị trừng phạt. Dự luật cũng nêu rõ "quảng cáo sử dụng các định kiến ​​giới nhằm thúc đẩy hoặc bình thường hóa bạo lực tình dục đối với phụ nữ sẽ bị coi là bất hợp pháp", đồng thời cấm mọi quảng cáo về mại dâm.

Nạn nhân được hỗ trợ như thế nào?

Ngoài tăng mức phạt đối với tội phạm, “Only yes means yes” cũng vạch ra nhiều kế hoạch nhằm thiết lập các trung tâm khủng hoảng hoạt động suốt 24 giờ cho nạn nhân bị tấn công tình dục và gia đình của họ. Theo đó, đến năm 2024, mỗi tỉnh phải có ít nhất một trung tâm xử lý khủng hoảng do bạo lực tình dục.

Ngoài ra, các trung tâm chuyên biệt cho nạn nhân là trẻ vị thành niên, bao gồm cả trẻ em trai và trẻ em gái, cũng sẽ được thành lập, với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý, giáo dục, y tế và cảnh sát để đảm bảo nạn nhân cảm thấy an toàn.

Bối cảnh hình thành?

Dự luật “Only yes means yes” được phe cánh tả trong chính phủ Tây Ban Nha ủng hộ từ lâu, xuất phát từ sự phẫn nộ sau "vụ án bầy sói" ở Manresa vào năm 2016, khi 5 người đàn ông bị buộc tội cưỡng hiếp tập thể một cô gái 18 tuổi.

Sau khi vụ việc xảy ra, 5 bị can bị kết tội tấn công tình dục thay vì hiếp dâm, vì nạn nhân không thể đưa ra bằng chứng cho thấy hành vi hiếp dâm và sự phản đối rõ ràng.

Theo đó, trong một đoạn video về vụ việc do 2 người đàn ông quay, nạn nhân không phản đối và im lặng, vì vậy, các thẩm phán đã coi đây là sự đồng thuận.

Bản án này đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình ở Tây Ban Nha, họ yêu cầu chính phủ thay đổi luật tương tự các quốc gia châu Âu khác, xác định hiếp dâm là quan hệ tình dục không đồng thuận. Tòa án Tối cao Tây Ban Nha sau đó đã kết án 5 người đàn ông này 15 năm tù về tội hiếp dâm.

Các quốc gia khác có luật tương tự không?

Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, 9 quốc gia trên thế giới đã quy định tình dục đồng thuận trong luật pháp. Các quốc gia này coi quan hệ tình dục không có sự đồng thuận là hành vi hiếp dâm, bao gồm Vương quốc Anh, Ireland, Bỉ, Cyprus, Luxembourg, Iceland, Đức, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Ngoài ra, 3 quốc gia khác bao gồm Áo, Montenegro và Bồ Đào Nha, cũng đã sửa đổi luật để xác định tình dục không đồng thuận là hiếp dâm. Quy định này cũng nằm trong Công ước Istanbul - công ước ngăn chặn và chống lại mọi hành vi bạo lực, bao gồm cả bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

BNG: Hai người Việt bị bắt ở Mallorca với cáo buộc xâm hại tình dục

Bộ Ngoại giao cho biết hai công dân Việt Nam bị nhà chức trách Tây Ban Nha bắt với cáo buộc “xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi” và “xâm phạm quyền riêng tư”.

Vụ án cưỡng hiếp tập thể của ‘bầy sói’ gây chấn động Tây Ban Nha

Vụ án “bầy sói” đã truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình của phụ nữ chống lại sự vô lý trong luật tấn công tình dục ở Tây Ban Nha.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm