Ý tưởng ghép máy bay độc đáo của Mỹ những năm 1950. Ảnh: WATM |
Trong Chiến tranh thế giới thứ 2 các máy bay ném bom có thể vượt qua quãng đường hàng nghìn kilomet trước khi đến mục tiêu. Tuy nhiên, chúng cần sự hộ tống của các chiến đấu cơ để tập trung vào nhiệm vụ thả bom. Vấn đề là các máy bay tiêm kích có phạm vi hoạt động ngắn nên nhiều chiếc không đủ nhiên liệu để trở về căn cứ.
Sau khi kết thúc chiến tranh, tăng tầm hoạt động cho các tiêm kích trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với Không quân Mỹ. Theo WATM, tờ báo điện tử do các cựu quân nhân Mỹ điều hành, năm 1950, Không quân Mỹ bí mật tiến hành dự án FICON nhằm phát triển máy bay mẹ mang theo chiến đấu cơ đến chiến trường.
Người ta chế tạo một khớp nối đặc biệt cho máy bay ném bom chiến lược B-29 Superfortress để mang theo 2 chiến đấu cơ F-84 ở đầu mút cánh. Trong quá trình bay đến mục tiêu, 2 F-84 sẽ không hoạt động, khi đến khu vực tác chiến, nó sẽ tách ra khỏi tàu mẹ để làm nhiệm vụ hộ tống cho B-29. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, F-84 sẽ kết nối trở lại vào phi cơ B-29 để trở về căn cứ.
Ý tưởng thất bại
Giải pháp ghép máy bay đã mở đường cho sự phát triển của kỹ thuật tiếp nhiên liệu trên không. Ảnh: WATM |
Quá trình vẽ phác thảo thiết kế cũng như tính toán các giải pháp kỹ thuật diễn ra khá thuận lợi. Nhóm chuyên gia tin rằng, dự án sẽ thành công. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 15/9/1950 diễn ra thành công. Chuyến bay thành công nhất diễn ra vào ngày 20/10 kéo dài tới 2 giờ 40 phút. Quá trình điều khiển tách phi cơ được thực hiện thủ công.
Không quân Mỹ yêu cầu tập đoàn Republic phát triển hệ thống tách máy bay tự động để giảm thao tác trong quá trình làm nhiệm vụ. Chuyến bay thử với hệ thống mới diễn ra vào ngày 24/4/1953. Tuy nhiên, khi phi công kích hoạt hệ thống, chiếc F-84 phía bên cánh trái mất kiểm soát đập vào cánh chính khiến cả 3 máy bay lao xuống đất làm toàn bộ phi hành đoàn tử vong.
Cuộc điều tra sau đó cho kết quả, lỗi hệ thống điện là nguyên nhân dẫn đến thảm họa. Không quân Mỹ và nhà sản xuất tiếp tục thực hiện các chuyến bay thử nghiệm bất chấp rủi ro. Trong khi tập đoàn Republic chưa tìm ra giải pháp tối ưu cho dự án FICON thì Boeing đã giới thiệu một ý tưởng khả thi hơn.
Giải pháp mà Boeing đưa ra là sử dụng máy bay chở dầu C-97 gắn thêm một vòi để tiếp nhiên liệu cho máy bay trên không. Dự án KC-97 đã chứng minh tính khả thi cao hơn so với chương trình tàu sân bay trên không. Không quân chính thức hủy bỏ dự án FICON vào năm 1956 và tập trung cho chương trình tiếp nhiên liệu trên không.
Từ đó về sau, các máy bay tiếp dầu cho phép mở rộng hoạt động cho tất cả các phi cơ trong biên chế Không quân Mỹ. Dự án FICON thất bại, nhưng ý tưởng quái dị trong dự án này đã mở đường cho sự phát triển của các giải pháp công nghệ tối ưu hơn.