Theo thông cáo của Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, dự án này hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ Việt Nam về việc trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025.
Dự án “Giao hưởng rừng xanh” tại Ninh Thuận được Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Ninh Thuận, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam và Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (gọi tắt là Quỹ Sống) hợp tác triển khai.
“Đại sứ quán New Zealand tự hào góp phần phủ xanh 3 ha rừng tại tỉnh Ninh Thuận thông qua dự án. Trồng rừng đóng vai trò quan trọng với tương lai của Trái Đất chúng ta và đây là một kết quả đáng tự hào của tỉnh Ninh Thuận”, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson chia sẻ trong thông cáo báo chí hôm 10/5.
Địa hình núi đá tại vùng trồng dự án “Giao hưởng rừng xanh” Ninh Thuận. Ảnh: Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam. |
“Ở New Zealand, chúng tôi có câu: 'Toitū te ngahere, toitū te whenua, toitū te tangata', nghĩa là 'Nếu chúng ta chăm rừng, nếu chúng ta chăm đất, đất rừng sẽ bảo vệ chúng ta'", Đại sứ Dobson. "Với tư cách là đối tác phát triển lâu dài của Việt Nam, chúng tôi tin tưởng và đầu tư vào những kết quả bền vững, và điều này được áp dụng chặt chẽ cho các hoạt động bảo vệ môi trường của chúng tôi".
"Trồng mới và trồng bổ sung rừng là một trong những cách tốt nhất và hiệu quả nhất để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Các dự án tương tự như dự án 'Giao hưởng rừng xanh' đang giúp hồi sinh hành tinh của chúng ta và giảm tác động của biến đổi khí hậu", đại sứ nói thêm.
Phụ nữ Raglai tham gia trồng rừng. Ảnh: BQL Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam. |
Theo bà Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Quỹ Sống, mục đích của nguồn tài trợ là đạt được những kết quả tốt hơn về môi trường thông qua việc trồng rừng. Gìn giữ mạch nước ngầm, hấp thụ CO2, giảm xói mòn đất - những lợi ích từ dự án sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự cho tương lai của Ninh Thuận.
Vào tháng 10, dự án “Giao hưởng rừng xanh” tại tỉnh Ninh Thuận sẽ trồng hơn 40.000 cây trên diện tích 20 ha rừng tại rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam.
Dự án sẽ kéo dài trong 5 năm (2021-2025), bao gồm thời gian cho việc trồng, chăm sóc, và bảo vệ rừng, nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao của rừng trồng mới.