Dự án được tài trợ bởi Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam với ngân sách 800 triệu đồng (50.000 NZD) sẽ được thực hiện bởi Tổ chức East Meets West Foundation (viết tắt là EMWF hay còn gọi là Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ).
Thông qua hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương, dự án dự kiến hỗ trợ cho 270 hộ gia đình phụ nữ tại 5 xã thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương - nơi bị ảnh hưởng tác động kinh tế và xã hội nặng nề bởi dịch Covid-19 đầu năm nay.
"Đây là dự án thứ ba về hỗ trợ khắc phục hậu quả Covid-19 mà Đại sứ quán New Zealand đã sát cánh cùng Việt Nam, đồng thời thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước", bà H.E. Tredene Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, cho biết trong thông cáo.
"Sáng kiến mang tính thực tế cao này sẽ giúp giảm thiểu những tác động của đại dịch đối với kinh tế của phụ nữ và gia đình họ. Những nhóm xã hội này đã trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương về kinh tế trong thời kỳ đại dịch, và chúng tôi tin tưởng rằng dự án này sẽ giúp các gia đình ở Hải Dương sớm ổn định sau đại dịch", Đại sứ Dobson nói thêm.
Dự án trị giá 800 triệu đồng (50.000 NZD) do Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam tài trợ sẽ được thực hiện bởi tổ chức East Meets West Foundation. Ảnh: Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam. |
Thông qua dự án, các hộ gia đình phụ nữ dễ bị tổn thương sẽ nhận được hỗ trợ phục hồi sinh kế để cải thiện thu nhập, đặc biệt khi tình hình dịch Covid-19 còn nhiều bất ổn.
Tổ chức EMWF cùng các chuyên gia kinh tế nông nghiệp sẽ đánh giá nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ nông nghiệp, từ đó cung cấp sản phẩm sinh kế như hạt giống, con giống, công cụ sản xuất phù hợp đến với từng gia đình. Ngoài ra, các hộ gia đình cũng nhận được gói hỗ trợ khẩn cấp để trang trải chi phí cho nhu yếu phẩm thiết yếu, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ gia đình.
Ngay trước Tết Nguyên đán năm nay, dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Hải Dương, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh. Đặc biệt, các hộ gia đình làm nông chịu ảnh hưởng trực tiếp, do sự giảm thiểu về nhu cầu thực phẩm và gián đoạn lâu dài trong việc xuất khẩu và lưu thông nông sản.
Theo phân tích của Liên Hợp Quốc về tác động xã hội của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn bởi vô số các tác động dài hạn tiềm ẩn của đại dịch.
Theo báo cáo của UN Women, 87% phụ nữ cho biết thu nhập của họ đã bị giảm do ảnh hưởng của đại dịch, đồng thời bày tỏ mối lo ngại về tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và giảm nhu cầu đầu ra sản phẩm sau khi đại dịch kết thúc.
Vì vậy một trong những nhu cầu cấp thiết là hỗ trợ các lao động nữ và đối tượng dễ bị tổn thương vượt qua tác động của đại dịch thông qua các chương trình hỗ trợ ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế.