Đại sứ Phạm Quang Vinh nói rằng chuyến thăm của Phó tổng thống Harris đến Việt Nam sẽ bao gồm nhiều nội dung quan trọng, nhưng phần chào đón có thể bị giản lược vì dịch bệnh.
Ngày 24/8, lần đầu tiên Việt Nam đón tiếp một phó tổng thống Mỹ, người đồng thời là nữ phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Hơn nửa năm sau ngày Tổng thống Joe Biden nhậm chức, đã có 2 quan chức cấp cao của chính quyền mới thăm Việt Nam. Tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng tới Việt Nam.
“Quan hệ Việt - Mỹ chắc chắn đã ở tầm đối tác chiến lược”, cựu Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói với Zing. "Chỉ còn là việc định danh, đặt tên sao cho đúng, tương xứng với tầm quan hệ".
Tuy nhiên, theo ông Vinh, vì chuyến thăm diễn ra trong lúc Hà Nội vẫn thực hiện Chỉ thị 16 để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19, những hình ảnh chào đón của người dân trên đường phố như các chuyến thăm trước sẽ không thể lặp lại.
- Việc 2 quan chức cấp cao trong nội các của Mỹ chọn Việt Nam là điểm đến khá sớm trong nhiệm kỳ thể hiện điều gì về vị thế của Việt Nam đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, và đối với chính quyền ông Biden?
- Đây là chuyến đi cấp cao nhất của quan chức Mỹ đến Đông Nam Á trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ. Điều này rõ ràng cho thấy Mỹ rất coi trọng Việt Nam và khu vực.
Ngay trong thông báo về chuyến đi của bà Harris, phía Mỹ cũng nhấn mạnh họ coi trọng Việt Nam và Singapore - hai đối tác hàng đầu khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ đầu nhiệm kỳ, chính quyền Biden đặt trọng tâm vào khu vực này, coi trọng ASEAN và Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực trong khu vực.
Trên bình diện song phương, hai chuyến thăm liên tiếp cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển. Trên bình diện đa phương, điều này cho thấy Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng.
Cũng phải nhắc tới vai trò của chính sách đối ngoại Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam kiên trì câu chuyện đổi mới và hội nhập, qua đó tạo dựng được vị thế và vai trò trong khu vực.
- Vấn đề hợp tác an ninh, kinh tế, an toàn hàng hải sẽ là một trong những nội dung chính trong chuyến đi của bà Harris. Hai bên có thể kỳ vọng kết quả thực chất gì từ chuyến thăm trên những phương diện này?
- Hai bên sẽ trao đổi về tổng thể quan hệ đối tác toàn diện, trong đó nhấn mạnh kinh tế thương mại, bảo đảm hợp tác an ninh khu vực, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh.
Trước chuyến thăm, giữa hai bên đã có nhiều cuộc đối thoại kể từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Biden, như các buổi điện đàm cấp bộ trưởng và chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Austin.
Tôi tin rằng một chuyến thăm cấp cao được mong đợi như vậy, với nhiều đối thoại tham vấn và thăm viếng trước đó, chắc chắn mang lại kết quả tốt đẹp và nâng tầm quan hệ hai nước.
- Hiện nay, bà Harris là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Biden tới Việt Nam, ông cảm nhận gì về nữ phó tổng thống đầu tiên của Mỹ?
- Trong lúc dịch bệnh khó khăn như vậy mà bà Harris vẫn đi khu vực và Việt Nam, chuyến thăm này càng thêm phần ý nghĩa.
Là nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, bà Harris đã đi vào lịch sử và tạo niềm hưng phấn, háo hức ngay tại quê nhà. Bà trẻ hơn Tổng thống Biden và đại diện cho thế hệ lãnh đạo năng động kế tiếp của nước Mỹ.
Bà Harris từng có những năm làm thượng nghị sĩ ở một bang lớn là California, chắc chắn bà có tầm nhìn cả về nội trị lẫn những vấn đề đối ngoại, tuy chưa nhiều. Chuyến thăm này sẽ giúp bà hiểu thêm về Việt Nam, quan hệ Việt - Mỹ và khu vực.
Những vấn đề bà Harris quan tâm có thể bao gồm quan hệ văn hoá, giao lưu nhân dân hay bình đẳng giới, bên cạnh chương trình nghị sự chính về chính trị, kinh tế, an ninh hay địa chiến lược.
Tôi rất trông đợi vào chuyến thăm và cá nhân bà Harris. Chuyến đi của một nhân vật lịch sử vào thời điểm nước Mỹ "trở lại", chắc chắn rất đáng trông đợi.
- Với kinh nghiệm trong việc tham gia tổ chức đón Tổng thống Obama và Trump tới Việt Nam, theo ông, chuyến đi lần này giữa mùa dịch của bà Harris có thể gặp khó khăn gì về hậu cần?
- Chuyến thăm sẽ được hai phía chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, từ nội dung, chương trình, đến an ninh, lễ tân, và hậu cần. Chắc chắn Việt Nam sẽ làm tốt mọi khâu, bao gồm các cuộc gặp của bà Harris với lãnh đạo Việt Nam hay hoạt động đi thăm, nói chuyện, nếu có.
Nhưng có điểm tôi thấy tiếc trong chuyến thăm lần này.
Nhớ lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama và Trump vào năm 2016 và 2017, người dân từng háo hức ra đường phố vẫy cờ hoa chào đón. Hà Nội vẫn trong tình trạng giãn cách nên cảnh tượng trên sẽ không còn.
Đội ngũ thân cận của 2 vị cựu tổng thống từng kể với tôi rằng cả ông Obama và Trump đều rất ấn tượng về lòng mến khách của người Việt Nam, nhất là qua những hình ảnh dọc hai bên đường phố. Qua đó, các ông cảm nhận được sự năng động, phát triển của đất nước Việt Nam.
Giả sử bà Harris muốn nói chuyện với sinh viên, phía Việt Nam vẫn sẽ bố trí được nhưng khó còn có sự náo nhiệt và gần gũi như thường thấy khi gặp lớp trẻ.
- Từ góc nhìn cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, theo ông, quan hệ Việt - Mỹ có sự tiếp nối thế nào sau nhiều đời chính quyền ở Mỹ? Với đà phát triển như vậy, ông dự đoán gì về quan hệ Việt - Mỹ dưới thời chính quyền Biden?
- Nhìn lại chiều dài lịch sử, ta thấy quan hệ hai nước ngày càng được tăng cường chiều sâu và mở rộng cả về hợp tác song phương, cũng như hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế.
Để minh họa, cần nhắc tới việc kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao tới nay, tất cả tổng thống Mỹ trước đây đều thăm Việt Nam. Những chuyến thăm này thể hiện đà quan hệ phát triển và mong muốn tiếp tục phát triển.
Chính sách chung của nước Mỹ dưới thời ông Biden ngay từ đầu coi trọng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Điều này được thể hiện cụ thể qua sự trao đổi và đối thoại thường xuyên giữa 2 bên.
Tháng 2 năm nay, Tổng thống Biden gửi thư chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và thành công của đại hội XIII. Đây có lẽ là lần đầu tiên và câu chuyện này rất có ý nghĩa, thể hiện Mỹ coi trọng quan hệ và thể chế chính trị Việt Nam.
Sau khi nhậm chức không lâu, Tổng thống Biden đã cử Phó tổng thống Harris thăm Việt Nam.
Quan hệ hợp tác mọi mặt, từ kinh tế, an ninh, đến phòng chống dịch, khắc phục hậu quả chiến tranh đều được đẩy mạnh và mang tính thực chất. Hai bên cũng đối thoại và xử lý khác biệt một cách hiệu quả và mang tính xây dựng, như về vấn đề tiền tệ gần đây.
Chắc chắn dưới thời Tổng thống Biden, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đà và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
- Nhiều thành viên trong đội ngũ ông Biden từng làm việc và tới Việt Nam. Điều đó có lợi gì cho quan hệ đôi bên?
- Bản thân ông Biden cũng không xa lạ với Việt Nam. Năm 2015, ông Biden, khi ấy là phó tổng thống, đã dự buổi tiếp và hội đàm của Tổng thống Obama với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và trực tiếp chủ trì tiệc chiêu đãi. Điều này rất khác với thông lệ.
Đội ngũ của Tổng thống Biden cũng có nhiều người quen thuộc với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam: Ngoại trưởng Antony Blinken từng đến Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama năm 2016.
Trợ lý ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ hiện chính là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ là Kurt Campbell, người nhiều lần thăm Việt Nam dưới thời Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Những nhân vật trên biết tình hình khu vực, biết về nhu cầu, đặc thù, thuận lợi và khó khăn. Họ cũng biết rõ Việt Nam kiên định về đổi mới, hội nhập, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, cũng như hiểu vị thế Việt Nam ở khu vực.
Vì thế, hai bên chắc chắn càng thuận lợi trong thúc đẩy quan hệ, cả về song và đa phương. Hai bên cũng sẽ thuận lợi hơn trong xử lý khác biệt một cách xây dựng.
- Đã có nhiều tiếng nói ủng hộ việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm chiến lược, một thông điệp cũng được Bộ trưởng Lloyd Austin nêu trong chuyến thăm mới đây. Xin hỏi quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi cho rằng quan hệ Việt - Mỹ chắc chắn đã ở tầm đối tác chiến lược. Lúc này chỉ còn việc đặt tên sao cho xứng tầm quan hệ.
Ở đây, có một số điều cốt yếu cần được nêu thêm: Thứ nhất, hai bên đều muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ. Thứ hai, xét tới quan hệ đối ngoại của Việt Nam, chắc chắn Mỹ cần nằm trong danh sách đối tác chiến lược.
Ngoài ra, việc định danh đúng tầm quan hệ trước hết là vì chính lợi ích quốc gia của Việt Nam, phù hợp với chính sách và quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam.
Việt Nam hiện có khoảng 20 đối tác chiến lược như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Về chính sách đối ngoại, Việt Nam coi trọng quan hệ với các nước khu vực và các nước lớn. Nhưng Mỹ là nước lớn duy nhất còn thiếu trong danh sách đối tác chiến lược của Việt Nam.
Đã đến lúc Việt Nam cùng với Mỹ trao đổi để thống nhất định danh cho đúng quan hệ đối tác đã ở tầm chiến lược.
- Nội dung hợp tác về phòng chống dịch và cung ứng vaccine, hỗ trợ vật tư y tế có ý nghĩa thế nào trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ?
- Rất quan trọng. Hiện kiểm soát và vượt qua đại dịch là ưu tiên và công việc cấp bách nhất của Việt Nam nên giúp đỡ về phòng chống dịch, nhất là vaccine, là cực kỳ quan trọng.
Nước Mỹ đã giúp Việt Nam rất nhiều về vaccine, tài chính, và hỗ trợ kỹ thuật. Sự giúp đỡ là rất kịp thời và quan trọng đối với Việt Nam.
Những bài đăng của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam về hỗ trợ chống Covid-19 thường đi kèm hashtag #FriendsIndeed (Người bạn đích thực) mà tôi thấy rất đúng. Trong khi Việt Nam cần vaccine, Mỹ giúp đỡ như vậy là rất đáng hoan nghênh.
- Có ý kiến cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nói nhiều về việc chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng hành động cụ thể còn hạn chế. Ông có cùng chung nhận định này không?
- Tháng 11/2017, sau hơn một năm, Tổng thống Trump mới công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đầu năm 2018, Mỹ mới công bố chiến lược an ninh quốc gia chung.
Nhưng tới thời ông Biden, nước Mỹ vào tháng 3 đã có Chỉ dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời, trong đó nhấn mạnh vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngay từ đầu và thông qua Chỉ dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời, chính quyền Tổng thống Biden thể hiện rất coi trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này phần nào kế tiếp chính sách của thời ông Obama và ông Trump.
Nhưng ông Biden cũng thể hiện nhiều điểm mới, cả về chính sách và hoạt động, gồm nhấn mạnh cam kết của Mỹ, củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác, coi trọng tham vấn ngoại giao và các thể chế đa phương, nhất là ASEAN, nhấn mạnh luật pháp quốc tế và cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ.
Điểm lại, chúng ta sẽ thấy Mỹ thực hiện hàng loạt cuộc tham vấn và chuyến thăm từ sớm với khu vực, như chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc của Ngoại trưởng Blinken vào tháng 3.
Trong tháng 6 và 7, Bộ trưởng Austin, ông Blinken, và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có các chuyến đi tới Ấn Độ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á… Vừa qua, ông Blinken cũng dự một loạt hội nghị khu vực với ASEAN và Mekong.
Những chuyến thăm này chính là thông điệp và cam kết của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương.
- Chính giới và giới nghiên cứu Mỹ đã nói nhiều về việc thể chế hóa khuôn khổ Bộ Tứ (Quad) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam có thể tham gia vào ý tưởng này hay không?
- Trước hết, cùng với nhấn mạnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ cũng coi trọng hơn Bộ Tứ và quan hệ với từng thành viên khác của Bộ Tứ, gồm Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia.
Mỹ và các nước Bộ Tứ khác cũng đều khẳng định coi trọng ASEAN và cấu trúc khu vực với ASEAN là trung tâm, Bộ Tứ là cơ chế hỗ trợ, bổ sung, không nhằm thay thế vai trò trung tâm của ASEAN.
Bộ Tứ đang tiếp tục củng cố và định hình, nhưng sẽ là thành tố quan trọng trong duy trì cân bằng, xây dựng trật tự dựa trên luật lệ, cũng như đóng góp vào những quan tâm chung ở khu vực.
Sắp tới, khi các nước Bộ Tứ triển khai và mở rộng hoạt động hợp tác về vaccine, biến đổi khí hậu, và chuỗi cung ứng, đây là cơ hội Việt Nam chắc chắn nên tranh thủ và tận dụng.