Ngày 28/10, đồng yen giảm 0,6%, xuống còn 153,3 yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7, theo Bloomberg.
Nguyên nhân rớt giá của đồng nội tệ Nhật Bản là do tình hình chính trị ở quốc gia này đang dần trở nên bất ổn sau khi Thủ tướng Shigeru Ishiba quyết định tổ chức bầu cử sớm nhưng không thành công. Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản đã tăng trong phiên giao dịch đầu tuần do đồng yen yếu giúp đẩy mạnh nền kinh tế xuất khẩu.
Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shigeru Ishiba và đảng liên minh Komeito chỉ giành được 209/465 ghế tại hạ viện, kết quả kém nhất kể từ năm 2009 và giảm so với 279 ghế trước bầu cử, theo dự báo của NHK.
Thủ tướng Nhật Bản Shigere Ishiba, mô tả kết quả bầu cử là "khó khăn" và bày tỏ hy vọng tiếp tục lãnh đạo chính phủ để thúc đẩy các chính sách của liên minh.
Điều này báo hiệu quốc hội Nhật sẽ bước vào một giai đoạn thương lượng kéo dài, nhất là khi áp lực về chi phí sinh hoạt đang gia tăng. Các chuyên gia dự báo chính phủ mới sẽ yêu cầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách chậm rãi, với kỳ vọng chính sách kinh tế sẽ trở nên linh hoạt hơn, theo ngân hàng Nomura.
Biến động tỷ giá đồng yen 3 tháng qua. Nguồn: Bloomberg. |
Ngoài ra, giá dầu thô cũng lao dốc sau khi Iran cho biết ngành công nghiệp dầu mỏ nước này vẫn hoạt động bình thường sau khi Israel tấn công các mục tiêu quân sự.
Giá dầu Brent và dầu thô West Texas Intermediate giảm hơn 5% trong phiên đầu nhưng sau đó phục hồi nhẹ. Giá vàng cũng giảm, trong khi chứng khoán tại Australia và Hàn Quốc tăng nhẹ, theo xu hướng của thị trường Mỹ.
Cổ phiếu Trung Quốc sẽ được theo dõi chặt chẽ sau khi lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm 27,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, gây áp lực lên nền kinh tế trong bối cảnh giảm phát làm suy yếu tài chính doanh nghiệp.
Dữ liệu sắp tới từ Trung Quốc, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ cùng với báo cáo việc làm sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư cuối năm. Nhà đầu tư cũng theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi các tài sản châu Á và thị trường mới nổi giảm do lo ngại ông Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng.
"Khi cuộc bầu cử đến gần và các giao dịch liên quan đến Trump ngày càng được thực hiện, đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên trong khi lãi suất Mỹ vẫn cao, gây áp lục lên thị trường tài sản mới nổi", các chiến lược gia của Barclays Plc nhận định.
Chỉ số S&P 500 đã giảm trong tuần qua, đánh dấu tuần suy giảm đầu tiên sau 7 tuần do sự tăng trưởng của cổ phiếu công nghệ không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm ngân hàng.
Trong tuần này, các ngân hàng lớn của Trung Quốc cũng sẽ công bố báo cáo lợi nhuận, Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ ra quyết định chính sách và dữ liệu lạm phát của Australia cũng như PMI của Trung Quốc sẽ được phân tích kỹ lưỡng.
Đáng chú ý, chỉ số USD đã tăng 3,6% kể từ đầu tháng 10 đến nay, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2024.
Trong khi đó, đồng euro giữ ổn định ở mức 1,0795 USD/euro trong phiên giao dịch đầu tháng nhưng đã giảm hơn 3% kể từ đầu tháng 10. Đồng bảng Anh được giao dịch ở mức 1,2961 USD/bảng Anh, giảm 3,1% từ đầu tháng 10 đến nay.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.