Trong cuộc chiến với các biến chủng virus SARS-CoV-2, dòng phụ BA.2 siêu lây nhiễm của Omicron đang dần lan rộng khắp thế giới. Nó hiện đã trở thành chủng virus thống trị ở 68 quốc gia, trong đó có Mỹ và một số nước châu Âu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết BA.2 chiếm 94% ca nhiễm Omicron được tổ chức này ghi nhận trong tuần gần nhất. Tại Mỹ, BA.2 chiếm 72% ca mắc Covid-19 tuần qua, theo AP.
Lan rộng trong thời gian ngắn
Bác sĩ Wesley Long, nhà dịch tễ học tại Bệnh viện Houston Methodist Texas, cho biết BA.2 vươn lên vị trí thống trị trong thời gian ngắn. Khoảng 2 tuần trước, BA.2 chỉ chiếm1-3% số ca bệnh tại cơ sở điều trị của ông. Cuối tuần qua, con số này là 75%.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi chủng phụ BA.2 lây lan mạnh hơn Omicron, bác sĩ Long nói.
Dù đã có thêm nhiều hiểu biết về SARS-CoV-2, các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán chính xác sự xuất hiện các biến chủng mới sẽ ảnh hưởng tới chiều hướng dịch bệnh như thế nào.
Các nhà khoa học đã xác định BA.2 có rất nhiều đột biến. Biến chủng được mệnh danh là "Omicron tàng hình" bởi nó thiếu một đặc điểm di truyền của chủng Omicron gốc - điều từng giúp các nhà khoa học phân biệt được Omicron với Delta thông qua xét nghiệm PCR.
Một người ở Bắc Kinh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hôm 6/4. Ảnh: AP. |
Một lý do khiến BA.2 nhanh chóng lan rộng bởi khả năng lây nhiễm mạnh hơn Omicron tới 30%. Trong một số trường hợp, các nghiên cứu chỉ ra BA.2 lây cho cả người từng nhiễm Omicron, dù không gây bệnh lý nặng hơn.
Hiệu quả của các loại vaccine đối với BA.2 dường như tương tự so với Omicron. Mũi tiêm tăng cường giúp tạo ra hệ miễn dịch mạnh hơn, ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong.
Tại một số nước ở châu Âu và châu Á, biến chủng BA.2 khiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại. Nước tiếp theo trải qua kịch bản tương tự có thể là Mỹ, các nhà khoa học cảnh báo.
Không chỉ lây lan mạnh hơn, BA.2 lan rộng trong bối cảnh nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19. Người dân các nước cũng bắt đầu nói không với khẩu trang, quay trở lại cuộc sống trước đây như du lịch, ăn uống trong nhà hàng, tham gia các sự kiện đông người.
Nguy cơ xuất hiện biến chủng nguy hiểm hơn
Tại Mỹ lúc này, tổng số ca mắc Covid-19 vẫn đang theo chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, số ca mắc bắt đầu tăng trở lại ở New York, Arizona và Illinois.
Giới chức y tế cảnh báo số ca mắc được ghi nhận có thể không chính xác bởi người dân tự xét nghiệm ở nhà, thậm chí một số người không còn xét nghiệm Covid-19.
"Chúng ta đã bước vào giai đoạn mới, các đợt bùng phát Covid-19 có thể chỉ theo từng khu vực và phụ thuộc vào tỷ lệ bao phủ vaccine của cộng đồng, cũng như thời gian tiêm chủng", bác sĩ Long nói.
Chuyên gia của bệnh viện Houston Methodist tỏ ra chắc chắn rằng số ca mắc Covid-19 cuối cùng sẽ một lần nữa tăng lên ở Mỹ bởi biến chủng BA.2 hoặc một biến chủng khác trong tương lai.
Người dân ở Pennsylvania tiêm mũi vaccine tăng cường. Ảnh: AP. |
"Nếu là BA.2, đợt gia tăng ca bệnh sẽ diễn ra từ từ chứ không đột ngột", ông Long cho hay.
Lúc này, số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở Mỹ vẫn trên đà suy giảm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi các biến chủng của virus SARS-CoV-2, trong đó có các chủng lai. Một trong số các chủng được quan tâm là chủng kết hợp giữa BA.2 và Omicron, còn được gọi là BA.1.
Một chủng lai khác cũng đang được theo dõi sát sao là XE, kết quả sự kết hợp giữa BA.1 và BA.2.
Biến chủng lai XE lần đầu được phát hiện ở Anh hồi tháng 1. Hơn 600 ca mắc XE đã được ghi nhận đến nay. Các nhà khoa học nghi ngờ XE lây lan mạnh hơn BA.2 khoảng 10%.
Để đối phó với BA.2 cũng như các biến chủng tương lai khác, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.
"Virus đang tiếp tục lây lan ngoài môi trường, vaccine vẫn là cách bảo vệ hữu hiệu nhất", bác sĩ Long nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh người từ 50 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch, do đó cần tiêm mũi bổ sung thứ hai nếu có thể.
"Nếu số ca mắc tại nơi bạn sống một lần nữa tăng lên, hãy tự đánh giá mức độ rủi ro y tế của mình. Nếu bạn không còn đeo khẩu trang hay dừng giãn cách xã hội, giờ là lúc quay lại với các biện pháp phòng ngừa này", bác sĩ Long khuyến cáo.