Các công ty chứng khoán, ngân hàng đã huy động được hàng tỷ USD vốn ngoại thông qua kênh tín dụng và cho vay từ đầu năm. Ảnh: Chí Hùng. |
Mới đây, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) thông báo đã hoàn tất giải ngân hợp đồng vay hợp vốn lớn nhất dành cho một công ty chứng khoán tại Việt Nam trị giá 175 triệu USD.
Trong đó, đây là khoản vay hoàn toàn bằng USD, được cung cấp bởi 5 định chế tài chính gồm Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng CTBC, Ngân hàng Taipei Fubon, Ngân hàng Taishin International và Ngân hàng KGI.
TCBS cho biết nguồn vốn này dự kiến được sử dụng để phân bổ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ tiên tiến như Machine Learning, GenAI…
Dòng ngoại tệ hàng tỷ USD
Với khoản vay mới này, tổng giá trị những khoản vay hợp vốn tín chấp quốc tế do TCBS tiếp cận được từ cuối năm 2020 đến nay đã lên tới hơn 761 triệu USD.
Trước TCBS, nhiều ngân hàng trong nước cũng cho biết đã hoàn tất các đợt huy động vốn bằng ngoại tệ trị giá hàng trăm triệu USD.
Hồi tháng 4, ngân hàng mẹ Techcombank cũng cho biết đã huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD từ 15 ngân hàng quốc tế từ nhiều khu vực như Trung Đông, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan.
Đáng chú ý, đây là khoản vay hợp vốn bằng ngoại tệ đầu tiên Techcombank huy động được trong năm nay nhưng đã là khoản vay thứ 4 nếu tính cả các năm trước đó. Năm 2022, nhà băng này từng lập kỷ lục với khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá 1 tỷ USD. Đến nay, đây là khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế.
Ngoài ra, Techcombank cũng từng huy động được 2 khoản vay hợp vốn bằng ngoại tệ trong các năm 2020 và 2021 với giá trị lần lượt 500 triệu USD và 800 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, SeABank đã huy động được khoảng 180 triệu USD ngoại tệ thông qua các khoản vay và trái phiếu. Ảnh: Nam Khánh. |
Tương tự, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mới đây đã cấp gói đầu tư trị giá 75 triệu USD vào trái phiếu xanh do SeABank phát hành. Khoản đầu tư này được xúc tiến thông qua Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Trước đó, IFC cũng đã trực tiếp cung cấp 25 triệu USD cho nhà băng này thông qua trái phiếu xanh lam, cùng 50 triệu USD qua trái phiếu xanh lá mà SeABank phát hành.
Bên cạnh đó, hồi tháng 6, SeABank cho biết Norfund - quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển của chính phủ Na Uy - đã rót 30 triệu USD vào ngân hàng dưới dạng khoản vay chuyển đổi cổ phần trong 4 năm nhằm hỗ trợ vốn cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã có khoảng 180 triệu USD vốn ngoại chảy vào nhà băng này.
Không dừng lại ở con số 180 triệu USD, đại diện SeABank tiết lộ cả AIIB và IFC đã cam kết sẽ hỗ trợ vốn cho ngân hàng với tổng mức đầu tư lên đến 225 triệu USD.
Tháng 5, Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) cũng cho biết đã hoàn tất thủ tục vay hợp vốn có thời hạn 2 năm, trị giá 40 triệu USD từ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chi nhánh Singapore và Woori Bank chi nhánh Singapore.
Rục rịch kế hoạch bán vốn tỷ USD
Không chỉ đón dòng vốn ngoại chảy về thông qua kênh trái phiếu và tín dụng, các ngân hàng trong nước cũng đang rục rịch với kế hoạch huy động hàng tỷ USD vốn ngoại thông qua việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược.
Trong tháng 6, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về sửa đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài từ 20% về còn 17,5%. Đây được xem là bước chuẩn bị để ngân hàng đón cổ đông ngoại trong thời gian tới.
Đầu tháng 3, nguồn tin từ Bloomberg cho biết HDBank đang tìm đến các cố vấn tài chính để hỗ trợ cho kế hoạch bán cổ phần trị giá 500 triệu USD.
HDBank đang có kế hoạch huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài trị giá 500 triệu USD. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó tại phiên họp cổ đông đầu năm nay của SHB, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cho biết ngân hàng sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận ngân hàng trong thương vụ này với định giá ngân hàng quanh mức 2-2,2 tỷ USD.
Báo cáo phân tích năm 2024 của Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho biết 2 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV được kỳ vọng thực hiện thành công đợt huy động vốn mới thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị ước tính hơn 2 tỷ USD.
Trong đó, Vietcombank đang trong quá trình thu xếp để nhận tư vấn cho kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn. Trong khi BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ. Hiện nhà băng cũng đang trong quá trình làm việc với nhà đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh dòng ngoại tệ ghi nhận được từ phần thặng dư thương mại xuất nhập khẩu, kiều hối... nguồn ngoại tệ huy động trực tiếp từ các định chế tài chính trong nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cũng cho biết tính riêng quý II, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đã đạt 2,309 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng, TP.HCM đã ghi nhận dòng kiều hối chuyển về đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ.
Trên thị trường, tỷ giá USD/VND hiện vẫn chịu nhiều áp lực, tính đến cuối tháng 6, giá USD trên thị trường tự do đã tăng hơn 5%, trong khi giá USD tại các ngân hàng đã tăng xấp xỉ mức 5% này.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.