Các đại gia ngoại đăng ký rót 1,27 tỷ USD vào bất động sản Việt Nam trong tháng 1. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tăng mạnh.
Cụ thể, có 190 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, tăng 24% về số dự án và tăng 67% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời, có 75 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Đối với hình thức góp vốn, cả nước có 174 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 116 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 22 triệu USD, chiếm 19% giá trị góp vốn.
Như vậy, trong tháng đầu tiên của năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,27 tỷ USD, gấp đôi tháng 1/2023.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tháng 1/2024 có 6 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Mỹ là nước dẫn đầu với 5,9 triệu USD, chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư; Đức 5,4 triệu USD, chiếm 33,2%; Lào 4,2 triệu USD, chiếm 26,2%.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo bà, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Vị chuyên gia tại Cushman & Wakefield cho rằng đây vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp ngoại tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.
"Một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. Bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực", bà Trang dự báo.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.