Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đông Nam Á chật vật cân bằng mục tiêu chống dịch, đảm bảo sinh kế

Đông Nam Á đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Nền kinh tế khu vực không còn đủ khả năng chống chịu, nhiều nước đang tìm cách mở cửa lại.

Theo Bloomberg, các nước Đông Nam Á đang đối mặt với những đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất thế giới. Tuy nhiên, chính phủ các nước dần nhận ra rằng nền kinh tế đã không còn đủ khả năng chịu đựng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn virus lây lan.

Khác với Mỹ và châu Âu, những nơi đã bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, các nước Đông Nam Á trở thành khu vực dễ tổn thương nhất thế giới vì tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, những biện pháp phong tỏa giờ không còn khả thi.

"Đó là một sự cân bằng khó khăn giữa cuộc sống và sinh tế", bà Krystal Tan, chuyên gia kinh tế của Australia & New Zealand Banking Group Ltd., bình luận.

Mo cua kinh te anh 1

Indonesia đang tập trung vào chiến lược chống Covid-19 dài hạn. Ảnh: EPA.

Áp lực lớn

Theo bà Tan, ngay cả Singapore - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới - cũng vật lộn với số ca nhiễm mới tăng đột biến. Đối với phần còn lại của khu vực, khả năng trì hoãn việc mở cửa trở lại cao hơn do độ phủ vaccine thấp hơn đáng kể.

Các nhà máy ở Đông Nam Á đóng cửa đã gây ra tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Những nhà sản xuất ôtô như Toyota Motor Corp. phải cắt giảm sản xuất. Hãng quần áo Abercrombie & Fitch Co. cảnh báo tình hình đang "vượt quá tầm kiểm soát".

Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng bị đẩy xuống vị trí cuối trong bảng xếp hàng khả năng phục hồi từ Covid-19 của Bloomberg.

Việc mở cửa biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại và du lịch ở các quốc gia ASEAN đều là những mục tiêu rất khó khăn"

Chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của Oversea-Chinese Banking Corp

Giới chức lo ngại về tác động đối với nền kinh tế nếu các hạn chế kéo dài quá lâu. Malaysia cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống còn 3-4% khi số ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức cao kỷ lục.

Hy vọng của Thái Lan về việc hồi sinh ngành du lịch cũng nhanh chóng tan biến.

Các quốc gia Đông Nam Á giờ phải đối mặt với một áp lực lớn. Đó là giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Theo chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của Oversea-Chinese Banking Corp, các quốc gia Đông Nam Á đang gánh chịu chi phí nặng nề từ những đợt phong tỏa liên tiếp. Người dân ngày càng kiệt quệ vì cuộc khủng hoảng kéo dài.

"Việc mở cửa biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại và du lịch ở các quốc gia ASEAN đều là mục tiêu khó khăn", ông Wiranto nhận định.

Tìm cách mở cửa lại

Theo Bloomberg, người dân ở nhiều nước Đông Nam Á đang rất chật vật khi phải chiến đấu với dịch bệnh lâu hơn phần còn lại của thế giới. Tại Malaysia, việc phong tỏa kéo dài gây ra tình trạng mất việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn không có dấu hiệu giảm đi.

Tại Singapore và Philippines, ngày càng nhiều doanh nghiệp lên tiếng về những khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn. Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang tìm cách học theo chiến lược sống chung với Covid-19 của Singapore.

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực - tập trung vào chiến lược dài hạn. Các quan chức đang nỗ lực đẩy mạnh những quy tắc dài hạn như đeo khẩu trang bắt buộc, thay vì thay đổi liên tục các hạn chế di chuyển.

Nước này cũng đưa ra "bản đồ đường đi" cho các khu vực cụ thể như văn phòng và trường học. Mục tiêu là vạch ra những quy tắc lâu dài hơn trong bối cảnh bình thường mới.

Mo cua kinh te anh 2

Người dân Bangkok xếp hàng tại một điểm tiêm vaccine để chờ tới lượt. Ảnh: AP.

Số ca nhiễm mới hàng ngày giờ không còn quan trọng bằng mức độ nghiêm trọng của chúng. Điều này đúng với hai quốc gia có độ phủ của vaccine cao nhất Đông Nam Á. Đó là Singapore và Malaysia với tỷ lệ tiêm chủng lần lượt là 80% và 50%.

Thay vì phong tỏa cả nước hoặc theo khu vực, Philippines cũng đang tìm cách thu hẹp phạm vi những nơi bị áp dụng các biện pháp hạn chế.

Chỉ những ai có giấy xác nhận tiêm chủng mới có thể vào các trung tâm mua sắm và đền chùa ở Jakarta hoặc rạp chiếu phim tại Malaysia. Các nhà hàng ở Singapore cũng được yêu cầu kiểm tra giấy xác nhận tiêm chủng của khách hàng.

Tại Manila, các quan chức đang cân nhắc "bong bóng vaccine" cho nơi làm việc và phương tiện giao thông công cộng.

Người tiêu dùng Mỹ gặp khó vì giá tăng cao, hàng hóa khan hiếm

Theo báo cáo của FED, các nhà bán lẻ Mỹ tỏ ra bi quan về triển vọng giai đoạn từ nay đến cuối năm vì lạm phát, thiếu hụt hàng hóa và tác động của biến chủng Delta.

Hàng loạt nhà hàng, quán bar Nhật Bản phá sản vì dịch Covid-19

Số vụ phá sản do dịch Covid-19 tăng mạnh tại Nhật Bản. Các nhà hàng và quán bar bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm