Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người tiêu dùng Mỹ gặp khó vì giá tăng cao, hàng hóa khan hiếm

Theo báo cáo của FED, các nhà bán lẻ Mỹ tỏ ra bi quan về triển vọng giai đoạn từ nay đến cuối năm vì lạm phát, thiếu hụt hàng hóa và tác động của biến chủng Delta.

Nền kinh tế Mỹ không thể phục hồi nếu không có sức mạnh tiêu dùng, vốn là xương sống của kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu hụt hàng hóa, các vấn đề về chuỗi cung ứng và biến chủng Delta đã đẩy người tiêu dùng vào thế khó.

Theo CNN, tiêu dùng đóng góp vào 2/3 GDP của Mỹ. Tuy nhiên, sức mạnh chi tiêu đã bị ảnh hưởng ở một số vùng do biến chủng Delta lan rộng.

Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các nhà bán lẻ ở New York đã trở nên bi quan hơn về triển vọng trong năm 2021. Những đại lý ôtô cũng tuyệt vọng về tình trạng thiếu nguồn cung do khan hiếm chip.

Tại Atlanta, các nhà hàng gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu vì thiếu hụt lao động. Chi tiêu của người tiêu dùng ở Chicago cũng giảm nhẹ.

Mùa hè năm nay, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm. Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi thứ, từ gỗ đến ôtô đã qua sử dụng. Các doanh nghiệp cũng phải vật lộn với những vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng tắc nghẽn, dẫn đến giá sản phẩm tăng cao hơn nữa.

Kinh te My anh 1

Biến chủng Delta lây lan nhanh hơn đã bào mòn triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters.

Từ tháng 5 đến tháng 7, 2,6 triệu việc làm đã được bổ sung tại thị trường Mỹ. Các hoạt động kinh tế cũng trở lại.

Nhưng sau đó, ảnh hưởng của biến chủng Delta khiến sự lạc quan bị xói mòn. Doanh số bán lẻ lao dốc. Thước đo tâm lý của người tiêu dùng giảm mạnh. Báo cáo việc làm trong tháng 8 cũng thấp hơn dự kiến.

Nhiều công ty đã hoãn kế hoạch cho nhân viên trở lại văn phòng sau ngày 6/9. Các tập đoàn như Amazon và Facebook có thể lùi kế hoạch trở lại văn phòng đến năm sau.

"Khi bước vào mùa hè, mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính là sự phục hồi nhanh và mạnh đến mức nền kinh tế tăng quá nóng", ông David Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại JPMorgan Funds, viết trong một lưu ý.

"Nhưng 'gờ giảm tốc' mà chúng ta gặp phải trong mùa hè này đã khiến nguy cơ trên giảm đáng kể", ông nói thêm.

Ai hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng vận chuyển toàn cầu?

18 tháng sau dịch Covid-19 bùng phát, mạng lưới vận chuyển toàn cầu vẫn trong tình trạng khủng hoảng. Các hãng vận chuyển kiếm lời kỷ lục khi giá vận chuyển tăng vọt.

Hàng loạt nhà hàng, quán bar Nhật Bản phá sản vì dịch Covid-19

Số vụ phá sản do dịch Covid-19 tăng mạnh tại Nhật Bản. Các nhà hàng và quán bar bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm