Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Động lực tăng trưởng thương mại điện tử trong kỷ nguyên mới

Bối cảnh mới vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các sàn thương mại điện tử hướng đến phát triển bền vững, thay vì chỉ cạnh tranh giá hay chỉ số ngắn hạn như trước đây.

Lazada anh 1

Trong bài chia sẻ với CNBC tháng 5/2022, Kyle Stanford - nhà phân tích VC cấp cao tại PitchBook - cho biết, phần lớn sự tăng trưởng trong 5 năm qua của các công ty công nghệ là “đốt tiền" để phát triển nhanh nhất có thể.

“Nếu biết rằng đối thủ cạnh tranh cùng ngành đang ‘đốt tiền’ nhiều hơn, chúng tôi càng rót thêm tiền", ông Stanford nói.

Tuy nhiên, kỷ nguyên này đã dần kết thúc khi các nhà đầu tư, công ty mẹ dần quan tâm hơn đến lợi nhuận lâu dài thay cho câu chuyện tăng doanh thu, chiếm lĩnh thị phần. Quan điểm mới về thị trường không phải tăng trưởng bằng mọi giá mà là tăng trưởng bền vững với chi phí hợp lý, điều này thể hiện rõ nét với ngành thương mại điện tử (TMĐT).

Các doanh nghiệp dần chuyển sang theo đuổi các mục tiêu cụ thể thay vì chỉ chạy đua về lượng người dùng như trước. Theo chuyên gia từ iPrice, yếu tố tạo điều kiện cho sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực TMĐT là nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng của người dùng Việt Nam. Đi kèm với đó, người tiêu dùng sẽ có những đòi hỏi cụ thể hơn về chất lượng dịch vụ và chủng loại hàng hóa

Như vậy, đây chính là thời điểm “sống còn” để các sàn TMĐT tập trung vào những động lực tăng trưởng mới, bao gồm: Phát kiến công nghệ, chất lượng sản phẩm và khả năng thấu hiểu người dùng.

Công nghệ tiên tiến

Báo cáo vào tháng 12/2022 của McKinsey chỉ rõ, công nghệ tiên tiến có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp biết tận dụng phát triển. Đặc biệt, yếu tố này có thể áp dụng triệt để với doanh nghiệp trong nhóm ngành TMĐT nhờ khả năng tối ưu hoạt động vận hành thông qua việc cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu dịch vụ khách hàng, phân tích - dự đoán nhu cầu thị trường dựa trên dữ liệu lớn và rút ngắn khoảng cách giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến, góp phần tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội.

Lấy ví dụ như tại Lazada, tính năng trải nghiệm sản phẩm trực tuyến Virtual Try-on thông qua công nghệ AR (thực tế tăng cường) và AI đã được ứng dụng từ những năm trước và đã mang đến hiệu quả ấn tượng khi giúp các thương hiệu tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng lên đến 3,1 lần và giá trị đơn hàng trung bình tăng 11%.

Trong năm 2023, nền tảng này tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ với tính năng mới “Soi chiếu da - Skin test” cho phép người dùng kiểm tra tình trạng da của mình bằng camera trước của điện thoại, từ đó đề xuất sản phẩm phù hợp để giải quyết các vấn đề hiện trạng của da đó. Nói cách khác, tính năng này góp phần thôi thúc người mua giải quyết các vấn đề của họ ngay với những sản phẩm được sàn đề xuất, từ đó xóa bỏ tâm lý đắn đo cân nhắc khi mua sắm và khiến người dùng “chốt đơn” nhanh chóng.

Lazada anh 2

Người dùng trải nghiệm tính năng “Skin test” trên Lazada.

Chia sẻ với báo chí về xu hướng của thương mại điện tử những năm tới, bà Đoàn Ngọc Lan - Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết, công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở thành một trong những xu hướng chính. Sự dẫn dắt từ ChatGPT, Copy.ai, Chatbots, cá nhân hóa chiến dịch quảng cáo bằng cách thu thập dữ liệu khách hàng và đề xuất, dự đoán hành vi mua... là giải pháp giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và năng suất hơn, đồng thời tiết giảm chi phí.

Thấu hiểu người dùng

Đi kèm với đẩy mạnh công nghệ, việc gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm cùng khả năng thấu hiểu người dùng cũng là những động lực tăng trưởng cho TMĐT.

Trong tiến trình chuyển đổi số, ngày càng có nhiều doanh nghiệp hướng đến mô hình lấy người dùng làm trung tâm (user-centric), đề cao hoạt động tìm kiếm insight thông qua thấu cảm với người dùng.

Đây là bước chuyển đổi then chốt trong chiến lược của các doanh nghiệp: Từ tăng số lượng người dùng mới sang tăng cường tương tác với người dùng hiện có để gia tăng tần suất mua hàng, giá trị đơn hàng và mức độ trung thành của họ.

Theo đó, giá trị của sản phẩm và dịch vụ trong TMĐT được cải thiện thông qua sự thấu hiểu sâu sắc về những thay đổi trong tâm lý, hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Gia tăng giá trị sản phẩm và chất lượng bền vững

Trước đây, danh mục sản phẩm khổng lồ là chìa khóa giúp doanh nghiệp thương mại điện tử thu hút khách hàng. Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nhiều đơn vị tập trung mở rộng danh mục này việc liên tục giới thiệu mới và đa dạng hoá sản phẩm.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển bùng nổ của hàng loạt phương tiện truyền thông và công cụ hỗ trợ, người dùng giờ đây có thể đưa ra phản hồi tức khắc với những sản phẩm, dịch vụ họ nhận được.

Kết hợp xu hướng nhạy cảm hơn về giá, thế hệ người tiêu dùng ngày nay đang trở nên “khó tính” hơn khi kỳ vọng mua được sản phẩm có chất lượng tương xứng với giá tiền (theo khảo sát của Buzzmetrics và Lazada Việt Nam).

Lazada anh 3

Người dùng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn khi mua sắm trên sàn TMĐT.

Hậu Covid-19, sự kỳ vọng của người tiêu dùng vào các trải nghiệm trên sàn TMĐT ngày càng cao hơn. Đồng nghĩa, họ mua sắm thông minh hơn và liên tục nâng cao kỳ vọng vào các trải nghiệm mới lạ, tinh tế trong các sản phẩm hay nhu cầu dịch vụ cơ bản.

Tại Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam cuối năm 2023, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh đánh giá: “Sự phát triển bền vững với bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải bao gồm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng ổn định tích cực, đảm bảo sự cân bằng không ai bị bỏ lại phía sau, đáp ứng xu thế xanh, bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng”.

Vì thế, TMĐT sẽ cần hướng đến việc đầu tư có chọn lọc và tối ưu chi phí để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế trong năm tới.

Phượng Minh

Bạn có thể quan tâm