Ảnh minh họa. Nguồn: Leonardo. |
Thương mại điện tử đã mở ra một không gian rộng lớn cho các đơn vị kinh doanh thuộc ngành xuất bản. Nhiều công ty sách, nhà phân phối đã thành lập phòng thương mại điện tử hoặc đơn vị chuyên phụ trách mảng này riêng. Khảo sát từ thực tiễn cho thấy để biến thị trường trực tuyến trở thành một bệ phóng, các công ty xuất bản cần được hỗ trợ ở hai điểm: Loại bỏ sách lậu và tiếp thị sách tới người dùng.
Chính sách kiểm duyệt hàng lậu
Theo chia sẻ từ đại diện First News, có rất nhiều shop bán sách giả trên các sàn TMĐT. Hiện TikTok, Tiki có hỗ trợ phần kiểm soát hàng giả, đơn vị xuất bản nếu phát hiện các tiệm sách giả có thể report trực tiếp và khoá sản phẩm nhanh chóng.
Shopee hiện chỉ cho báo cáo qua hệ thống nên phần này còn bị hạn chế. Lazada yêu cầu sách mẫu và chỉ ra điểm khác biệt với sách giả rất mất thời gian. Các trang mạng xã hội như Facebook chưa có phương án giải quyết. Hiện First News đang hợp tác cùng report với một số nhà sách khác tương đối hiệu quả.
“Việc đăng ký shop mới khá dễ dàng làm các shop sách giả liên tục mở. Họ cũng làm giả chứng từ hoặc mua sách từ chúng tôi để có hóa đơn thật, nhưng sau đó vẫn bán sách giả”, đại diện First News nhấn mạnh về vấn nạn sách lậu, sách kém chất lượng trên chợ mạng.
Hình ảnh sách "Thư cho em" thật (bên phải) và bản làm giả. Ảnh: Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. |
Bên cạnh First News, các đơn vị sách cũng đánh giá rằng một chính sách kiểm duyệt hàng lậu nghiêm ngặt sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các đơn vị làm sách mà còn tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng. Khi người mua biết rằng họ đang mua những sản phẩm chính hãng, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn và sẵn lòng chi trả cho những tác phẩm chất lượng.
Hơn hết, khi các sản phẩm sách lậu tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử, nó không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn làm suy giảm giá trị của tác phẩm gốc. Các đơn vị xuất bản cần các nền tảng thương mại điện tử hợp tác chặt chẽ với họ trong việc phát hiện và loại bỏ những sản phẩm vi phạm bản quyền. Trước mắt là việc thắt chặt đầu vào và ưu tiên các nhà phân phối chính hãng, có uy tín trên thị trường và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Mặt hàng sách là sản phẩm có tính đặc thù nên cần các sàn quản lý chặt chẽ hơn về vấn nạn sách lậu, sách photo bán tràn lan trên sàn để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”, đại diện Công ty thương mại điện tử kinh doanh sách 2H Books cho biết.
Cần có chiến lược hỗ trợ tiếp thị sách
Vị trí hiển thị của sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của các đơn vị xuất bản. Các nhà xuất bản cần các nền tảng thương mại điện tử cung cấp cho họ những vị trí hiển thị tốt để sản phẩm của họ có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Để có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn, các đơn vị sách có thể phải chi ra một số tiền rất lớn mua vị trí hiển thị đẹp thông qua chạy quảng cáo, tăng chiết khấu. Tuy nhiên hiệu quả có thể không mang lại tốt như số tiền họ bỏ ra. Ngoài ra các đơn vị kinh doanh cũng phản ánh về những chính sách cho phía nhà phân phối vẫn còn hạn chế.
“Với Shopee, hỗ trợ nhà bán hiện nay hơi ít, việc khách dễ dàng hủy/hoàn với lý do không còn nhu cầu quá dễ dàng. Về Tiki và Lazada, giao diện chạy quảng cáo nội sàn khá đơn giản nhưng phương thức chạy khá khó hiểu, chưa nắm rõ được nên như Tiki nên không cắn được tiền quảng cáo, còn Lazada thì đơn vị có đầu tư nhưng chưa hiệu quả. Đồng thời, hai sàn này không có nhiều hỗ trợ cho khách hàng bằng Shopee, đặc biệt là phí vận chuyển. Còn với Lazada, chi phí sàn cao hơn các sàn khác”, đại diện kinh doanh của Bách Việt Books nhận định.
Tiki ra mắt chiến dịch "ChọnTiki - Mua hàng thật, dễ thật", lan tỏa thông tin đến người dùng cả nước về nơi mua sắm trực tuyến uy tín. Ảnh: Tiki |
Trong khi các chính sách hỗ trợ về vận chuyển, tiếp thị không có nhiều, chi phí vận hành trên các sàn thương mại điện tử ngày càng cao. So với nhiều mặt hàng khác trên sàn, ngành sách xét về doanh thu hay lợi nhuận đều thấp. Lí do là ngành sách có niêm yết giá bìa đặc thù, các đơn vị không thể tăng giá tùy ý và mức chiết khấu bán lẻ phổ biến 20-25%. Trước khó khăn như vây, các nhà phân phối vẫn phải chấp nhận mức phí vận hành sàn đang thu cao hơn một số ngành khác.
Trước những vấn đề trên, việc hỗ trợ tiếp thị mặt hàng sách là điều cần thiết. Trong một số ngày hội sách hoặc sự kiện mua hàng trực tuyến, mỗi năm có một ngày dành riêng không gian cho các nhà sách chẳng hạn dịp trước năm học mới khi nhu cầu mua văn phòng phẩm và sách cao hoặc trước ngày lễ Giáng Sinh, Trung Thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Không thể phủ nhận rằng thương mại điện tử đã trở thành một bệ phóng quan trọng cho các đơn vị xuất bản. Để tận dụng tối đa cơ hội này, các nhà xuất bản cần các nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ chính sách kiểm duyệt hàng lậu nghiêm ngặt và cung cấp những vị trí hiển thị tốt cho sản phẩm của họ. Chỉ khi đó, các nhà xuất bản mới có thể được bảo vệ quyền lợi, xây dựng uy tín và phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.