Sau gần một tháng tranh cãi, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm vận phần lớn dầu từ Nga, theo đó mở đường cho gói trừng phạt thứ 6 của khối này nhằm “gây sức ép tối đa” để Moscow chấm dứt chiến sự.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng. Con số này sẽ tăng lên 90% vào cuối năm nay.
“Biện pháp này ngay lập tức bao trùm hơn 2/3 dầu nhập khẩu từ Nga vào EU, làm mất đi một nguồn lực tài chính to lớn” cho Điện Kremlin, ông Michel viết trên Twitter. “Sức ép tối đa đối với Nga để kết thúc xung đột".
Lệnh trừng phạt mới sẽ cấm dầu mỏ nhập khẩu từ Nga được vận chuyển bằng đường biển, nhưng bao gồm một điều khoản miễn trừ tạm thời cho phép tiếp tục nhập khẩu dầu Nga qua đường ống.
Những quốc gia nào được miễn trừ và tại sao?
Dầu vận chuyển qua đường ống Druzhba sẽ được miễn trừ trước lệnh cấm. Đây được xem một nhượng bộ quan trọng đối với Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga.
Khoảng 25% nguồn dầu thô của châu Âu được nhập từ Nga, nhưng có khác biệt về mức độ phụ thuộc giữa các quốc gia. Những nước châu Âu càng gần Nga càng phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới này.
EU đã thảo luận nhiều tuần qua về lệnh cấm hoàn toàn dầu Nga, nhưng vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người nói rằng việc cắt nguồn cung sẽ tàn phá nền kinh tế nước này. Quyết định cấm 2/3 dầu Nga được đưa ra sau khi các lãnh đạo của khối đạt thỏa hiệp với Hungary, loại dầu được vận chuyển bằng đường ống khỏi lệnh cấm.
Như vậy, các quốc gia nằm trên nhánh phía nam của tuyến đường ống từ thời Liên Xô - bao gồm Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech - sẽ được hưởng lợi từ quyền miễn trừ tạm thời.
Trong khi đó, EU vẫn tin tưởng rằng hầu hết dòng chảy dầu của Nga sẽ ngừng vào cuối năm nay, vì Đức và Ba Lan, các quốc gia nằm ở nhánh phía bắc của đường ống Druzhba, đã hứa từ bỏ nguồn cung này.
Khi nào EU cấm hoàn toàn dầu từ Nga?
Cho đến giờ, đây vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đang thúc đẩy chính sách trừng phạt, đã hứa hẹn rằng khối sẽ thảo luận về cách “vá lỗ hổng” càng sớm càng tốt.
"EC giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. Đây là bước đi quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề với 10% dầu còn lại", bà nói.
Hungary đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ EU để trang bị lại các nhà máy lọc dầu vốn chỉ có thể nhận dầu thô của Nga. Croatia cũng cần thời gian để tăng cường nguồn cung cấp cho nước láng giềng phía bắc thông qua đường ống Adria.
Các nhà lãnh đạo EU đã lảng tránh đưa ra thông tin chi tiết về ngày kết thúc quyền miễn trừ đối với khu vực trung tâm châu Âu.
Lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Nga?
Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, tuyên bố vòng trừng phạt mới nhất nhắm vào dầu mỏ của Nga sẽ làm tê liệt cỗ máy “chiến dịch quân sự” của Moscow.
EU đang trả cho Nga gần một tỷ euro (hơn một tỷ USD) mỗi ngày để mua năng lượng, bao gồm than đá, dầu và khí đốt. Theo Guardian, đây là nguồn ngoại tệ quý giá cho Điện Kremlin trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Việc cắt giảm mạnh các dòng tài chính đó sẽ làm sâu sắc thêm các vấn đề kinh tế của Nga trong dài hạn.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng nó có thể phản tác dụng khi giúp Moscow trong ngắn hạn, vì Nga được lợi từ giá bán cao. Các cuộc thảo luận kéo dài của EU cũng đã cho Nga thời gian để tìm kiếm những khách hàng mới.
Châu Âu sẽ bị tác động ra sao?
Các nhà sản xuất ôtô và doanh nghiệp sẽ nhận thấy rõ giá cả tăng cao tại các trạm xăng do lệnh cấm vận tác động đến giá dầu. Sau thông báo về lệnh cấm vận dầu của EU, giá một thùng dầu thô Brent đã chạm mức 124,10 USD, mức cao nhất kể từ tháng 3, mặc dù nó đã giảm trở lại một chút trong phiên giao dịch sau đó.
Giá dầu cũng tăng hơn 55% trong năm nay và ở mức cao nhất kể từ năm 2008.
Theo dự báo, các chính phủ sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa trong việc quản lý chi phí sinh hoạt vốn đã tăng vọt.
EU còn quân bài trừng phạt nào?
Trước khi EU đồng ý thông qua lệnh cấm vận phần lớn dầu từ Nga, một số quốc gia đã xem xét thêm các biện pháp trừng phạt khác đối với mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga là khí đốt.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt cho EU nhưng các nhà lãnh đạo EU đã hứa sẽ loại bỏ dần việc phụ thuộc vào nguồn cung này.
Tuy nhiên, một số nước như Ba Lan và các nước Baltic cho rằng EU nên đặt một mốc cụ thể đối với việc chấm dứt khí đốt của Nga. Dù vậy, bước đi đó có thể mất nhiều thời gian và thậm chí còn khó khăn hơn cả các cuộc đàm phán về lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ hiện vẫn chưa được thông qua.