"Đặt 1 kg thịt bò, 1 kg thịt heo và 1 kg thịt gà từ hôm qua mà tới sáng nay vẫn chưa nhận được, gọi thì siêu thị báo rằng đang quá tải đơn hàng, không biết có kịp nhận hàng trước 0h ngày 23/8 không", chị H. Chi (TP Thủ Đức) chia sẻ.
Chị Chi không phải là trường hợp người tiêu dùng duy nhất gặp khó khi mua hàng thiết yếu online trong hai ngày qua. Sau thông tin TP.HCM siết chặt hơn giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/8, lượng đơn hàng online mà các siêu thị, hệ thống bán lẻ hay các ứng dụng giao hàng, đi chợ hộ đều tăng vọt, gây nên tình trạng quá tải.
Chia sẻ với Zing, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết trong hai ngày vừa qua lượng đơn hàng mà doanh nghiệp tiếp nhận tăng gấp 2-3 lần so với giai đoạn trước đó, gây nên tình trạng quá tải. Ứng dụng Baemin cũng cho biết tỷ lệ hủy đơn hàng của các shipper đối tác đã lên tới khoảng 80%.
Nguồn tin của Zing tại Grab cũng cho biết doanh nghiệp ghi nhận lượng đơn hàng tăng gấp nhiều lần trong sáng 21/8. "Grab và các đối tác đang nỗ lực để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dùng tại TP.HCM trong những ngày này", vị này cho hay.
Người tiêu dùng TP.HCM đi đến các siêu thị, chợ mua hàng trong ngày 21/8. Ảnh: Y Kiện. |
Còn theo ghi nhận của Gojek, sau thông tin TP.HCM siết chặt hơn giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/8, lượng đơn hàng trong sáng ngày 20/8 đã tăng vài chục phần trăm so với những ngày trước đó.
Gojek cũng cho biết đã có gần 8.000 shipper được đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM để được cấp phép hoạt động hàng ngày, cung cấp dịch vụ đặt thực phẩm qua GoFood và vận chuyển hàng hoá thiết yếu qua GoSend.
Ngoài ra, hàng loạt các ứng dụng của các chuỗi siêu thị đều đã dừng tiếp nhận đơn hàng mới , điển hình là ứng dụng của Co.opmart hay Big C. Khi thử đặt đơn hàng qua ứng dụng của Big C, người dùng hiện nhận về thông báo "Vì số lượng đơn hàng trực tuyến đang tăng cao, để đảm bảo chất lượng dịch vụ chúng tôi xin tạm ngưng nhận đơn hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhận đơn trong thời gian tới".
"Muốn mua online để an toàn hơn mà khó khăn quá, không thể nào mua được ở bất kỳ ứng dụng nào. Cả ứng dụng của siêu thị lẫn ứng dụng đi chợ hộ đều báo quá tải, hủy đơn, trong khi trực tiếp đi mua thì xếp hàng đông đúc mà còn lo nguy cơ dịch bệnh", chị Chi than thở.
Trong sáng 21/8, nhiều người dân TP.HCM vội vã đến các siêu thị, chợ, cửa hàng bách hóa và nhà thuốc để mua đồ tích trữ. Nhiều nơi hết sạch hàng hóa chỉ trong vài giờ.
Đại diện các siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail Việt Nam và Vinmart cho biết hàng hóa siêu thị dự trữ đủ phục vụ người dân. Siêu thị đã có phương án tăng thêm trữ lượng nhập hàng và nguồn dự trữ, sẽ luôn cố gắng để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.
"Dự kiến ngày mai 22/8, các siêu thị Aeon có kế hoạch tăng thêm 4-5 lần các loại mặt hàng thịt và tăng 10 lần các mặt hàng rau củ quả từ Đà Lạt. Ngoài ra, siêu thị hiện cũng đang khẩn trương phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và các chính quyền địa phương để chuẩn bị các giải pháp cung ứng hàng hóa cho người dân trong 2 tuần tới", đại diện Aeon Việt Nam cho biết.
VinMart, VinMart+ cũng khuyến cáo khách hàng bình tĩnh, tuân thủ các quy định phòng chống dịch khi tham gia mua sắm. "Về hàng hóa, hệ thống đã chuẩn bị phương án tăng cường 300% các mặt hàng thịt, rau xanh, thực phẩm thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân", đại diện Vinmart nói.
Trong cuộc họp sáng 21/8, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, nhấn mạnh việc người dân đổ xô ra đường mua sắm sẽ dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, đồng thời có nguy cơ làm làm lây lan mạnh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
"Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ không thể thực hiện được việc kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch", ông nói.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Thành phố kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom thực phẩm. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường.