Cho đến nay, giới lãnh đạo của cả hai quốc gia vẫn chưa có bình luận chính thức về căng thẳng, tín hiệu mà các nhà phân tích cho rằng thể hiện mong muốn chung là không đẩy cao căng thẳng hơn nữa, theo South China Morning Post.
Tuy nhiên, mỗi bên vẫn đưa ra nhiều đồn đoán về động cơ phía bên kia, trong khi cả hai cáo buộc lẫn nhau âm mưu xâm lấn bằng quân sự, đưa cuộc tranh chấp biên giới kéo dài 7 thập kỷ giữa hai gã khổng lồ châu Á nóng trở lại.
Đầy rẫy đồn đoán
Theo truyền thông Ấn Độ, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ vào đầu tháng 5 tại hai phần khác nhau của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ngăn cách hai nước. Các vụ đụng độ lẻ tẻ gần hồ Pangong tại vùng Ladakh của Ấn Độ, và đèo núi Naku La ở Sikkim dẫn đến thương tích ở cả hai phía.
Hai binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ tại một cửa khẩu ở khu vực Sikkim. Ảnh: AFP. |
Tờ Hoàn Cầu thời báo thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hôm 24/5 nói Bắc Kinh có thể sẽ đưa máy bay trực thăng do thám không người lái đầu tiên được phát triển trong nước đến hoạt động dọc biên giới.
Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ tuyên bố rằng chính quân đội Trung Quốc đã xâm phạm, đưa hàng nghìn binh sĩ đến dựng lều và đào hào.
Tuy nhiên, rất khó để đánh giá chính xác những gì đã xảy ra, vì thông tin bị hạn chế và hầu hết các bài viết đều dựa vào các nguồn chính phủ hoặc quân đội ẩn danh từ hai phía.
Narayani Basu, nhà phân tích chính sách đối ngoại chuyên về Trung Quốc tại New Delhi, cho biết bà lo ngại rằng đồn đoán của truyền thông sẽ dẫn đến sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước.
"Chúng ta liên tục thấy truyền thông đưa tin nhưng rất ít trong số đó được xác nhận. Điều này dẫn đến sự thiếu rõ ràng và lại làm dấy lên những đồn đoán về nơi chúng ta đang hướng đến liên quan tình hình ở thực địa", bà nói.
Hôm 14/5, Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ MM Naravane được trích dẫn khi trả lời các phóng viên rằng các sự vụ ở biên giới "không liên quan tới nhau" và binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ đều có "hành vi nổi nóng".
Điều này được đưa ra cùng ngày Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát đi tuyên bố nói rằng cả hai bên đều "rất coi trọng việc duy trì hòa bình và sự yên ắng" ở khu vực biên giới.
Tuyên bố cũng cho rằng "những tình huống xảy ra ở thực địa đã có thể tránh được nếu chúng ta có nhận thức chung" về Đường Kiểm soát Thực tế và các cơ chế sẵn có cũng như biện pháp ngoại giao sẽ được sử dụng để giải quyết mọi tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 21/5 đã có bình luận tương tự, ít nhất một phần, rằng các sự vụ đang được thảo luận "thông qua các kênh ngoại giao".
Ông nói điều này sau khi đề cập đến "các hoạt động xâm lấn và vi phạm của Ấn Độ", và nói rằng Trung Quốc kêu gọi nước láng giềng kiềm chế, không tiến hành bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm phức tạp tình hình.
Hồ Pangong tại khu vực Ladakh của Ấn Độ. Ảnh: AP. |
Sau đó, thêm nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra, với một số người ở Ấn Độ nói rằng hàng nghìn binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua biên giới thực tế tại nhiều điểm trong vùng phụ cận thung lũng sông Galwan.
Một người thậm chí còn cung cấp hình ảnh vệ tinh mà họ nói cho thấy quân đội Trung Quốc đã dựng lều bên trong lãnh thổ Ấn Độ, trong khi một người khác nói rằng một số binh sĩ Ấn Độ đã bị bắt giữ trong thời gian ngắn - mặc dù Quân đội Ấn Độ bác bỏ điều này.
Những lời đồn đoán trên truyền thông Ấn Độ cho rằng việc xây dựng của Trung Quốc tại biên giới có liên quan đến việc New Delhi năm ngoái khánh thành một tuyến đường xe chạy dài 25 km gần Đường Kiểm soát Thực tế mà được cho là đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Giải quyết ở hậu trường
Xung đột giữa quân đội không vũ trang của Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới không mới. Cả hai có chung đường biên giới dài 3.488 km với một số khu vực tranh chấp mà họ đã tranh giành bằng nhiều vụ đụng độ lẻ tẻ và một cuộc chiến vào năm 1962.
Hồi tháng 11, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với quốc hội rằng họ đã ghi nhận 1.025 vụ xâm lấn của quân đội Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2018.
Song trong khi chuyện đối đầu là bình thường, những gì gây lúng túng cho các nhà phân tích như Manoj Joshi của Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên có trụ sở tại Delhi là các vụ đụng độ ở các khu vực nơi mà các tranh chấp biên giới được cho là đã ít nhiều được giải quyết.
"Đây là những gì xảy ra vào mỗi mùa hè tại 14 đến 15 địa điểm trên [biên giới] nơi các yêu sách chồng chéo. Thỉnh thoảng cũng có những trận ẩu đả", nhà báo kỳ cựu, cũng là cựu thành viên của ban cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ, nói. "Tuy nhiên, ba khu vực mới Galwan, Hot Springs và Naku La ở Sikkim là vấn đề nan giải".
Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần thứ hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thị trấn Mamallapuram ở miền Nam Ấn Độ vào tháng 10/2019, Thủ tướng Modi nói rằng hai nước đã quyết định "xử lý bất đồng giữa chúng tôi và không để chúng trở thành tranh chấp".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP/PIB. |
Mong muốn chung về việc không leo thang căng thẳng có nghĩa là phần lớn những suy đoán hiện tại có lẽ có thể bác bỏ, theo chuyên gia Joshi.
Trước đây, chúng ta cũng nhiều lần thấy tin tức đáng báo động", ông nói. "Tôi nghĩ rằng [cả Trung Quốc và Ấn Độ] sẽ có xu hướng không để sự việc leo thang căng thẳng [lần này], thông tin liên lạc giữa hai bên là đầy đủ và tôi chắc chắn rằng họ đang thảo luận về vấn đề ở hậu trường".
Tuy nhiên, bà Basu cảnh báo rằng thời gian là điểm cốt yếu để ngăn chặn sự leo thang.
"Đây là một tình huống chưa từng có và do đó cần đến các giải pháp chưa từng có", bà nói. "Cả hai quốc gia cần kích hoạt các cuộc đàm phán ở hậu trường và đảm bảo rằng việc này được xử lý một cách tinh tế".