Các ứng dụng taxi kiểu mới GrabTaxi và Uber cho phép người dùng sử dụng điện thoại thông minh đặt xe taxi gần nhất từ vị trí của họ. GrabTaxi hiện đã hoạt động ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Trong một tuyên bố, GrabTaxi và SoftBank cho biết, số vốn đầu tư nói trên sẽ được sử dụng để đẩy mạnh sự mở rộng của ứng dụng trong khu vực. Với khoản đầu tư này, GrabTaxi đã huy động được tổng cộng 340 triệu USD. Hiện chưa rõ SoftBank sẽ nắm bao nhiêu cổ phần trong GrabTaxi sau thương vụ.
Anthony Tan, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của GrabTaxi. |
GrabTaxi được giới thiệu đầu tiên ở Malaysia vào năm 2012 bởi hai nhà sáng lập tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard. Ngoài Uber, GrabTaxi còn có một đối thủ đáng chú ý khác là Easy Taxi.
Các ứng dụng taxi kiểu mới này đang ngày càng trở nên phổ biến ở Đông Nam Á, nhất là ở Singapore, một trong những nơi có chi phí đắt đỏ nhất thế giới để sở hữu một chiếc xe hơi riêng. Chưa kể, tìm taxi vào giờ cao điểm và trong điều kiện thời tiết nhiệt đới thường xuyên có mưa ở đảo quốc sư tử cũng là một vấn đề không dễ dàng. Tại các thành phố đông đúc như Manila hay Jakarta, việc tìm taxi đôi khi cũng khá khó khăn.
Các dịch vụ taxi kiểu mới thông qua ứng dụng trên điện thoại di động giúp ích nhiều cho người tiêu dùng ở các nước Đông Nam Á. Trong vòng 1 năm qua, số người sử dụng của GrabTaxi đã tăng gấp 6 lần lên mức nửa triệu. Số tài xế tham gia hệ thống này cũng tăng gấp 4 lần lên mức 40.000 - theo số liệu của GrabTaxi.
Tuy vậy, Uber, GrabTaxi và Easy Taxi đang vấp phải sự dè chừng của cơ quan quản lý tại các quốc gia Đông Nam Á. Tháng trước, nhà chức trách Singapore tuyên bố sắp tới sẽ quản lý các dịch vụ đặt xe taxi bên thứ ba.