Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đội tàu Trung Quốc khai thác quá mức ở Biển Đông

Cựu quan chức tình báo Mỹ Kent Harrington nói với Zing rằng hoạt động đánh bắt quá mức của Trung Quốc đe dọa hệ sinh thái tại Biển Đông, ảnh hưởng tương lai kinh tế khu vực.

Trung Quoc de doa sinh ke o Bien Dong anh 1

“Hành động của Trung Quốc nhằm chiếm ưu thế độc quyền trong việc tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên dưới biển, cũng như tác động từ chính sách và hành vi của Bắc Kinh sẽ ngày càng đe dọa sinh kế và an ninh của những quốc gia giáp Biển Đông”, ông Kent Harrington - người từng giữ vị trí sĩ quan tình báo quốc gia về Đông Á, trưởng Văn phòng phụ trách ở châu Á và giám đốc Quan hệ Công chúng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - nhận định với Zing.

Trước đó, trong bài đăng trên Project-Syndicate hồi cuối tháng 1, ông Harrington cho rằng việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt, trong khi các đội tàu nước này liên tục khai thác quá mức và trái phép ở nhiều khu vực Biển Đông, là có dụng ý riêng.

Báo động nguồn cá tại Biển Đông

Theo ông Harrington, đối với 600 triệu dân ở Đông Nam Á, tranh chấp Biển Đông không còn là mối lo ngại trong tương lai xa. Các hành động của Trung Quốc đã và đang làm tổn hại đến hệ sinh thái hàng hải và sinh kế của khu vực.

Trung Quoc de doa sinh ke o Bien Dong anh 2

Thuyền ở cảng Zhoushan, ngư trường lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, 15-56% nguồn protein động vật tiêu thụ ở Đông Nam Á đến từ các vùng biển lân cận.

Mặc dù chỉ chiếm 2,5% diện tích bề mặt đại dương của Trái Đất, 12% sản lượng đánh bắt cá của thế giới là ở Biển Đông. Một nửa trong số 3,2 triệu tàu đánh cá đã đăng ký của thế giới hoạt động tại khu vực này.

Ông trích số liệu của giáo sư James Borton, thuộc Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins, rằng trong khi đánh bắt quá mức đang là vấn đề toàn cầu, Trung Quốc chiếm vai trò lớn trong cuộc khủng hoảng với đội tàu đánh cá đường dài gồm 2.500 tàu (con số có thể tăng lên 17.000 nếu tính cả các tàu không đăng ký và bất hợp pháp).

Nhận định với Zing, ông cho hay Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố một diện tích lớn trên Biển Đông thuộc lãnh thổ của họ, vừa sử dụng quân sự trái phép để khẳng định quyền kiểm soát với các nguồn tài nguyên kinh tế ở vùng biển này.

Theo ông, hành động “dung túng” của Trung Quốc khi cho phép các hạm đội đánh bắt quá mức, phá hủy rạn san hô là kết quả của việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ngoài khơi.

Không chỉ vậy, việc xây dựng đập còn gây gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung cấp nước trên bờ và hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp liên quan khi làm đứt gãy dòng chảy của sông Mekong.

Những tác động sinh thái của việc xây dựng đảo của Trung Quốc gây không ít phiền toái.

Biển Đông từng là nơi có 1/3 rạn san hô trên thế giới, nhưng hiện khoảng một nửa đã biến mất. Dù các rạn san hô đang suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu, như trong phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào năm 2016, chính Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình này ở Biển Đông bằng cách nạo vét hơn 258 km2 các rạn san hô khỏe mạnh để trái phép tạo ra các đảo nhân tạo.

Từ những hành động đó, ông khẳng định hành động của Trung Quốc đang đặt nguồn tài nguyên khu vực vào thế đe dọa.

Cựu chuyên gia CIA kết luận các nước trong khu vực đang chịu tác động sâu sắc, từ việc gián đoạn đánh bắt trên những khu vực truyền thống, cho đến xâm nhập mặn và giảm nguồn nước ngọt trong lưu vực sông Mekong.

Điều đó không chỉ đe dọa nghiêm trọng sinh kế mà còn cả an ninh của các quốc gia giáp Biển Đông, ông Harrington cho biết.

Dụng ý của Bắc Kinh

Điều trớ trêu là mặc dù tàu cá Trung Quốc liên tục khai thác quá mức và trái phép ở các khu vực cấm của thế giới, trong nhiều năm, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố các lệnh cấm đánh bắt với mục đích “bảo vệ nguồn cá”.

Trung Quoc de doa sinh ke o Bien Dong anh 3

Tàu hải cảnh Trung Quốc được nhìn từ trên một tàu hải quân Indonesia trong chuyến tuần tra quần đảo Natuna. Ảnh: Reuters.

Chia sẻ với Zing, ông Harrington nhận định các lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc đang góp phần làm gián đoạn ngành công nghiệp này trong toàn khu vực. Trong đó phải kể đến việc nhiều ngư dân địa phương đã phải chuyển hoạt động đánh bắt sang nơi khác, thậm chí cả ở những khu vực mà họ vốn không được khai thác.

Lý giải cho hành động khai thác quá mức và lệnh cấm của Bắc Kinh, cựu chuyên gia của CIA cho rằng có hai yếu tố. Một trong những nguyên nhân khiến các ngư dân Trung Quốc ngày một manh động hơn là do nước này đang dần cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ 1/5 tổng lượng cá đánh bắt hàng năm. Do đó, nhu cầu sử dụng thủy hải sản làm nguồn đạm của Trung Quốc là động lực thúc đẩy hoạt động đánh bắt của nước này, bao gồm đánh bắt quá mức ở Biển Đông cũng như các vùng biển khác trên thế giới.

“Khai thác thủy hải sản chắc chắn là một ngành công nghiệp thương mại đóng vai trò quan trọng, đại diện cho thành phần kinh tế chính đối với các cộng đồng ven biển Trung Quốc”, ông cho biết. “Thực tế này phản chiếu qua hàng nghìn tàu đánh cá bất hợp pháp và không đăng ký ở Biển Đông”.

Trong khi đó, việc Trung Quốc thực thi cái gọi là "quyền" đánh bắt cá trong vùng biển mà họ tuyên bố, và loại trừ quyền khai thác của các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền, là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của Bắc Kinh.

Trung Quoc de doa sinh ke o Bien Dong anh 4

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ 1/5 tổng lượng cá đánh bắt hàng năm. Ảnh: Reuters.

“Họ muốn nói rằng Bắc Kinh có quyền tuyên bố chỉ có tàu Trung Quốc mới có thể hoạt động trong vùng biển của họ”, ông Harrington nói. “Những tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển và hành động thực thi của Trung Quốc tại khu vực phản ánh rõ ràng những lợi ích chiến lược mà quốc gia này nhận thức được”.

Mặc dù tuyên bố không thể ngăn cản Mỹ, châu Âu và các quốc gia châu Á khác tiếp tục làm rõ về quyền hàng hải và quá cảnh, lời đe dọa này thể hiện mục tiêu của Trung Quốc: Vẽ ra ranh giới rõ ràng mà Bắc Kinh có thể viện dẫn, để xác định địa lý ngoài khơi tại nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền.

Cách buộc Trung Quốc “ngồi vào bàn"

Ông Harrington đồng quan điểm của ông Borton về việc các nhà khoa học, môi trường học, nhà nghiên cứu, quan chức chính phủ và người dân nên hợp tác xác định tình trạng hiện nay của Biển Đông.

Khối lượng thông tin này có thể là gợi ý giúp đưa ra cách các chính phủ trong khu vực hợp tác, cả về mặt nghiên cứu khoa học và hoạt động môi trường, để bảo vệ, gìn giữ những vùng biển quan trọng.

Trung Quoc de doa sinh ke o Bien Dong anh 5

Đội tàu cá của Trung Quốc. Ảnh: Asia Society.

“Luận điểm của ông Borton là sự chung tay của các nhà khoa học và người dân có thể làm cầu nối để đạt được thỏa thuận lớn hơn trong việc bảo tồn Biển Đông”, ông Harrington chia sẻ.

Ông nói thêm rằng đây là vấn đề đáng được quan tâm ở cấp cao ở các nước khác trên khắp Đông Nam Á, tạo cơ sở cho nhiều người, nhiều tổ chức khác - ở Mỹ, châu Âu và các nơi khác châu Á - tham gia vào nỗ lực này.

Tuy nhiên, ông lưu ý động thái của chính phủ Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Covid-19 là chỉ dấu cho thấy thái độ của nước này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái ở Biển Đông.

Bắc Kinh “từ chối cung cấp thông tin liên quan đến tác động sinh thái từ việc xây dựng đảo, ngay cả khi mở rộng yêu sách lãnh thổ ở châu Á”, theo ông.

Do đó, ông khẳng định nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia bị ảnh hưởng cùng bạn bè, đồng minh không đủ để cản trở các hoạt động hiện tại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, “điều đó tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các bên để khiến Bắc Kinh chú ý, và một nỗ lực bền bỉ có khả năng đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán để giải quyết những thiệt hại nước này đang gây ra”, ông kết luận.

Biển Tây Phi kiệt quệ sau khi đội tàu cá Trung Quốc đến

Việc đánh bắt quá mức và trái phép của đội tàu cá Trung Quốc làm kiệt quệ nguồn thủy sản ở Sierra Leone, đẩy nhiều ngư dân rơi vào cảnh tuyệt vọng bên mẻ lưới gần như trống rỗng.

Bộ Ngoại giao Mỹ lý giải việc công bố báo cáo về Biển Đông

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định việc phát hành Báo cáo số 150 về các ranh giới biển là điều cần thiết, dù nước này từng có tài liệu về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trước đó.

Phương Linh - Minh An

Bạn có thể quan tâm