Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã xác định cần “tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới”.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật - trao đổi về vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới và vai trò của sách với việc phát triển đội ngũ trí thức.
Đội ngũ trí thức là lực lượng tinh hoa, nòng cốt
- Thưa ông, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức có đóng góp và vai trò gì trong việc phát triển đất nước?
- Trong suốt tiến trình phát triển của nhân loại, trí thức luôn được đặt ở một vị trí đặc biệt và được xem là nền tảng của tiến bộ xã hội. Trí thức luôn có tầm ảnh hưởng lớn, trực tiếp dẫn dắt xu hướng phát triển của xã hội; là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tiếp nhận, truyền tải, lan tỏa, sáng tạo văn hóa, tri thức, đem tri thức phục vụ cho sự phát triển, tiến bộ, văn minh.
Nhận thức được vai trò to lớn của tầng lớp trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Trí thức Việt Nam đã có đóng góp thiết thực vào những vấn đề quan trọng của dân tộc, đất nước; là đội ngũ tinh hoa, là nguồn lực chất lượng cao của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng gắn với phát triển kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp. Điều này được thể hiện ở những phương diện chính như:
Trước hết, đội ngũ trí thức là lực lượng tiên phong trong quá trình truyền tải, lan tỏa, vận dụng và phát triển, phát minh, sáng tạo tri thức phục vụ sự tiến bộ, phát triển của đất nước, tạo nên các sản phẩm mới, giá trị mới vì con người, cho con người và lấy con người làm trung tâm.
Trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và với điều kiện phát triển mới của đất nước, cùng xu thế toàn cầu hóa, khoa học - công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, hàm lượng tri thức trong các sản phẩm lao động xã hội ngày càng gia tăng và là yếu tố quyết định giá trị của lao động. Điều này đã thúc đẩy nền sản xuất quốc gia phát triển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hướng tới xây dựng nền kinh tế tri thức.
Đội ngũ trí thức là lực lượng tinh hoa, nòng cốt, tiên phong trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm
Thứ hai, tầng lớp trí thức là hạt nhân thúc đẩy quá trình “trí thức hóa” các lực lượng lao động xã hội ở Việt Nam hiện nay. Sự thâm nhập mạnh mẽ của tri thức, cụ thể là thông tin, phát minh, sáng tạo, sáng kiến khoa học - công nghệ trong sản xuất đã dẫn đến quá trình “trí thức hóa” các lực lượng lao động xã hội; không chỉ bộ phận trí thức mới có trình độ chuyên môn cao, mà cả những người công nhân, kỹ thuật viên cũng sở hữu lượng thông tin khoa học chuyên ngành khá sâu sắc. Tất cả họ đều được xem là lực lượng lao động chất lượng cao.
Thứ ba, đội ngũ trí thức được xem là lực lượng tinh hoa, nòng cốt, tiên phong trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai. Lực lượng này có mặt trên tất cả các lĩnh vực, các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Xét về cơ cấu ngành, bất cứ ngành sản xuất nào, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ, cũng đều có sự tham gia của đội ngũ trí thức.
Thực lực của đội ngũ trí thức quyết định năng suất và hiệu quả kinh tế của các hoạt động sản xuất trong xã hội. Không những thế, họ cũng là những người được rèn luyện kỹ càng về tư tưởng, phẩm chất đạo đức với các giá trị: trung thực, cống hiến, có ý thức trách nhiệm cao với xã hội, là lực lượng đắc lực của giai cấp công nhân, nông dân, tạo nên nền tảng sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình phát triển đất nước.
- Chúng ta cần làm gì để tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia?
- Để bồi đắp nguyên khí quốc gia, xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm như:
Trước tiên, cần xác định rõ, cụ thể hóa mục tiêu “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới” mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Về mặt lý luận, cần làm rõ nội hàm: đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, số lượng, cơ cấu hợp lý là như thế nào? Mục tiêu gắn với từng mốc thời gian cụ thể ra sao? Các chiến lược, kế hoạch, lộ trình xây dựng gắn với mục tiêu trong từng giai đoạn cần triển khai thực hiện thế nào? Đồng thời, cần xác định khung các tiêu chí đo lường, đánh giá chất lượng đội ngũ trí thức cũng như dự báo định hướng phát triển sao cho phù hợp với yêu cầu của thời đại và tình hình, điều kiện cụ thể của nước ta, của từng ngành, từng vùng, từng địa phương…
Có như thế, chúng ta mới có thể từng bước hiện thực hóa được mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức nói riêng và hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước nói riêng.
Thứ hai, trên cơ sở xác định rõ nội hàm và khung tiêu chí đánh giá đội ngũ trí thức, cần xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dựa trên yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương trong giai đoạn phát triển mới, trong đó chú trọng đến những ngành, những lĩnh vực, địa phương đang thiếu, mất cân đối, bất hợp lý về cơ cấu nguồn nhân lực trí thức; ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số, trí thức nữ; tăng cường sử dụng và phát huy đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ngoài phục vụ cho phát triển đất nước…
Thứ ba, tạo lập và triển khai các chính sách mang tính đột phá trong phát triển, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ, nhiệt huyết, có tài năng nổi trội. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, phát minh, sáng chế nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức và khuyến khích đội ngũ trí thức tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.
Thứ tư, xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng theo mức độ đóng góp và năng lực thực tiễn để trí thức thực sự yên tâm nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Có cơ chế đặc thù về đầu tư, đãi ngộ đối với trí thức theo nhiệm vụ và sản phẩm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm mức sống của trí thức cao hơn mức sống chung của xã hội.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ảnh: NVCC. |
Đọc sách là phương thức căn bản tạo nên tầng lớp trí thức
- Với kinh nghiệm của người từng giữ cương vị là lãnh đạo của các cơ quan báo chí, xuất bản hàng đầu của đất nước, đặc biệt với vị trí hiện nay là Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, ông có đánh giá như thế nào về vai trò của sách và văn hóa đọc đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay?
- Sách và đọc sách là công cụ và phương thức cơ bản để kế thừa và truyền bá thông tin tri thức, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình văn minh nhân loại. Đọc sách là con đường chủ yếu nhất nhằm biến tri thức xã hội thành tri thức cá nhân thông qua hình thức truyền bá, lan tỏa thông tin.
Có thể nói, sách (với các thể loại như sách kiến thức phổ thông, sách thông tin khoa học, sách chuyên môn học thuật cũng như các sách văn học, nghệ thuật, giải trí…) là công cụ căn bản, còn đọc sách là phương thức quan trọng góp phần tạo nên tầng lớp trí thức và thúc đẩy quá trình “trí thức hóa” các lực lượng lao động xã hội.
Trong một tầm nhìn rộng lớn, sách và văn hóa đọc giúp con người có được tư duy khoa học, tư duy lý luận và nhờ đó mà có được những sản phẩm sáng tạo cả về vật chất và tinh thần, phục vụ cho sự tiến bộ, phát triển của loài người. Như Ăng ghen (Friedrich Engels) từng nói: “Một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của khoa học và công nghệ thì không thể không có tư duy lý luận” và chính sách, việc đọc sách đã góp phần trực tiếp cơ bản tạo nên tư duy lý luận, con người trí thức, những đỉnh cao của khoa học - công nghệ.
Thực tiễn phát triển của các quốc gia trên thế giới hiện nay cho thấy, các cường quốc về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Israel… đều là những quốc gia có truyền thống văn hóa đọc lâu đời và phát triển. Đây cũng là những quốc gia có ngành xuất bản sách dẫn đầu thế giới. Họ cũng là những nước có ưu thế vượt trội về lực lượng trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao; là những quốc gia tiên phong về mô hình giáo dục - đào tạo tiên tiến, phát triển vườn ươm khoa học - công nghệ, công viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; dẫn đầu thế giới về các phát minh, phát kiến và các lĩnh vực văn hóa, thể thao, kinh tế, thương mại...
Đọc sách đã góp phần trực tiếp cơ bản tạo nên tư duy lý luận, con người trí thức, những đỉnh cao của khoa học - công nghệ.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm
Mô hình phát triển của các quốc gia này đã cho thấy chiều sâu văn hóa đọc, sự phát triển của ngành xuất bản tỷ lệ thuận với sự phát triển mọi mặt của đội ngũ trí thức cũng như sự phát triển toàn diện của quốc gia - dân tộc.
Nhận thấy tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày sách Việt Nam”; ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người, góp phần xây dựng đội ngũ trí thức, nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
- Trong bối cảnh kỹ thuật số bùng nổ hiện nay, tri thức đến từ nhiều nguồn, đa phương tiện, đa loại hình, ngành xuất bản đang gặp những thách thức gì trong việc cung cấp tri thức cho xã hội nói chung và đội ngũ trí thức nói riêng?
- Những năm qua, ngành xuất bản đã có những đóng góp trong việc cung cấp, tạo dựng tri thức nền tảng cho xã hội. Thời đại truyền thông kỹ thuật số ngày nay đang tạo ra một cuộc cách mạng mới đối với ngành thông tin - truyền thông nói chung và ngành xuất bản sách nói riêng. Bên cạnh những cơ hội lớn, ngành xuất bản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức mới, khó, phức tạp trong việc cung cấp tri thức cho xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế số, kinh tế tri thức của đất nước.
Thứ nhất, thách thức về trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cho hiện đại hóa ngành xuất bản. Hiện nay, trước sự bùng nổ của khoa học, công nghệ và sự ra đời của hàng loạt các công nghệ, phương tiện thông tin truyền thông mới, ngành xuất bản buộc phải chuyển mình để tăng cường khả năng cung cấp tri thức trên nhiều kênh, nhiều dạng thức khác nhau; muốn vậy ngành cần phải có nền tảng hạ tầng phát triển, hiện đại.
Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở hạ tầng cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành xuất bản Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế và lạc hậu. Hệ thống hạ tầng cứng (như cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, mạng viễn thông, Internet, hệ thống thanh toán điện tử...) và hạ tầng mềm (như các trung tâm tài nguyên dữ liệu nội dung, cơ sở dữ liệu số, hệ thống nền tảng thông tin...) cho ngành xuất bản còn thiếu, lạc hậu, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ...
Điều này làm cho ngành xuất bản đang gặp nhiều trở ngại, lúng túng trước yêu cầu của phải chuyển đổi mô hình hoạt động và thực hiện đa dạng hóa, số hóa, đa phương tiện hóa, tích hợp hóa hoạt động và sản phẩm; vì thế khả năng đáp ứng của ngành xuất bản trước yêu cầu ngày càng cao và phong phú của công chúng về cơ bản còn yếu kém.
Thứ hai, thách thức về nguồn lực cho hiện đại hóa, chuyển đổi số hoạt động xuất bản. Hiện nay, nhiều ngành, nhiều cấp vẫn chưa có nhận thức thực sự đẩy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng của ngành xuất bản đối với sự phát triển của xã hội; ngành xuất bản thiếu vốn tài chính cho đổi mới hoạt động xuất bản, thiếu nguồn nhân lực mới cho quá trình hiện đại hóa ngành, thiếu môi trường pháp lý và quản lý mới phù hợp với sự phát triển theo hướng chuyển đổi số, đa phương tiện và tích hợp ngành xuất bản Việt Nam trong bối cảnh mới…
Thứ ba, thách thức do văn hóa đọc còn hạn chế, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số. Thói quen đọc sách vẫn chưa trở thành hoạt động ăn sâu, bám rễ vào văn hóa của người Việt Nam, do vậy khả năng tiếp nhận tri thức từ sách còn hạn chế. Trong bài viết Thúc đẩy văn hóa đọc, nhìn từ công nghệ trên báo Nhân Dân điện tử, ngày 27/5/2022, cho thấy, chỉ có 21% người Việt Nam đọc sách trong một năm và tỷ lệ 1,4 đầu sách/người/năm là rất đáng lo ngại.
Với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của các phương tiện truyền thông xã hội và ứng dụng phổ biến của phương tiện kỹ thuật số, các thiết bị đọc đầu cuối, nhiều người lại càng ít hứng thú với việc đọc sách và chủ yếu tiếp nhận thông tin từ các phương tiện khác.
Có nhiều ý kiến cho rằng các thiết bị, công nghệ mới là nguyên nhân làm cho văn hóa đọc chuyển đổi từ cách đọc sâu, đọc chi tiết, đọc theo tuần tự tuyến tính - phản ánh tư duy logic, sâu sắc, sang hình thức đọc rộng, đọc lướt, đọc nhanh, đọc rời rạc - phản ánh một cái nhìn đơn giản và hời hợt về thế giới. Và do đó, tri thức tiếp nhận được cũng bị vỡ vụn, làm cho quá trình tích lũy tri thức bị khó khăn hơn và cũng khó hình thành được tư duy lý luận, tư duy khoa học và làm giảm năng lực phát minh, phát kiến, sáng tạo…
Đây là những thách thức lớn, khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều và cần sự vào cuộc của toàn dân, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành xuất bản.
- Ông có thể chia sẻ quan điểm về giải pháp để ngành xuất bản có thể phát huy được vai trò của mình trong phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới?
- Theo tôi, để ngành xuất bản thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình đối với sự phát triển của xã hội nói chung và đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực của đất nước nói riêng, cần hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện, tập trung thực hiện tốt các giải pháp Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã đề ra, chú trọng một số giải pháp sau:
Đổi mới tư duy để có nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất, vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và điều kiện phát triển mới của đất nước. Hiện nay, còn nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người chưa hiểu đúng về hoạt động xuất bản, nhầm lẫn nhà xuất bản với nhà in, vì thế, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển hoạt động xuất bản.
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ cho hoạt động xuất bản; trong đó chú trọng phát triển hạ tầng số, nền tảng số, xây dựng cổng dữ liệu quốc gia tích hợp với thành phần dữ liệu mở; xây dựng các ứng dụng số cho các khâu của hoạt động xuất bản...
Đổi mới và tăng cường chuyển đổi số, nâng cao năng lực để phát triển mạnh mẽ các hoạt động xuất bản điện tử, xuất bản số và kinh doanh, tiêu thụ xuất bản phẩm điện tử, xây dựng kho thông tin - dữ liệu quốc gia và bảo vệ bản quyền.
Đổi mới và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành xuất bản.
Đổi mới bộ máy tổ chức và công tác quản lý xuất bản cũng như hệ thống cơ chế, chính sách đối với ngành xuất bản trong bối cảnh mới.
Trân trọng cảm ơn ông!