Doanh nhân Việt kể chuyện 'dấn thân' mua thị trấn Buford
Ý tưởng mua thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ đến một cách bất ngờ nhưng doanh nhân Phạm Đình Nguyên cho rằng "những điều bất ngờ thường làm nên kỳ tích".
>> Doanh nhân Việt đã nhận 'sổ đỏ' thị trấn Mỹ
>> Người Việt thắng thầu thị trấn Mỹ có thể 'đối diện' rủi ro
Cuộc đấu giá mua Buford ở bang Wyoming, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ của doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã trôi qua hơn một tháng nhưng vẫn còn khiến nhiều người quan tâm. Vừa trở về sau chuyến đi Mỹ, tân thị trưởng Buford chia sẻ hành trình sở hữu thị trấn nổi tiếng này.
Cơ duyên và may mắn
Phạm Đình Nguyên là con của quê hương đất võ Bình Định nhưng sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, chàng trai đầy nhiệt huyết này bắt đầu những tháng ngày làm thuê ở nhiều công ty khác nhau: Coca-Cola Việt Nam, Nokia Việt Nam, Công ty CP Hàng gia dụng quốc tế... Trước khi đứng ra thành lập và làm giám đốc Công ty Dịch vụ Phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), anh đã giữ vị trí giám đốc toàn quốc cho Tập đoàn Kinh Đô.
"Chuyện mua thị trấn Buford hoàn toàn không nằm trong dự tính của tôi và IDS", anh Nguyên khẳng định. Tình cờ đọc được mẩu tin rao bán thị trấn Buford với 100.000 USD, anh bắt đầu quan tâm đến nó, trước hết là mức giá khá ấn tượng. "Tôi còn rất ấn tượng với lịch sử thành lập của Buford cũng như ông cựu thị trưởng Don Sammons, người đã gắn bó gần nửa đời người ở thị trấn này. Lúc đó, tôi nghĩ nếu mua được thị trấn này, chắc mình sẽ có khối chuyện để làm đây", anh thổ lộ.
Nghĩ vậy nhưng Nguyên lại không có đủ tiền vì vốn liếng tích cóp gần 15 năm đi làm, anh đã đổ hết vào IDS. Tuy nhiên, nhiều bà con, bạn bè ở Mỹ đã nhiệt tình ủng hộ khi nghe anh bày tỏ ý định mua thị trấn Buford.
Tân thị trưởng Buford cho rằng việc anh sở hữu được thị trấn này cũng là cơ duyên và nhờ may mắn. "Thông thường, phải mất 2 tuần mới làm xong visa, trong khi thời hạn đấu giá mua thị trấn chỉ còn chưa đầy 4 ngày. Tôi điền mẫu đơn xin visa trên mạng và nói rõ mục đích đến Mỹ, đồng thời yêu cầu cần phỏng vấn gấp, lúc đó đã là thứ sáu. Không ngờ 4 giờ sau đó, tôi nhận được email trả lời từ Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM rằng có thể chọn bất cứ ngày nào, giờ nào trong tuần tới", anh Nguyên hồ hởi.
Ông Don Sammons trao áo kỷ niệm "Thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ Buford"
cho tân thị trưởng Phạm Đình Nguyên.
"Trên máy bay từ TP.HCM đi Texas - Mỹ, khi quá cảnh ở Narita - Tokyo, tình cờ tôi xem bộ phim War Horse, trong đó có cảnh đấu giá một chú ngựa. Điềm lành đây - tôi thầm nhủ. Không phải là người mê tín nhưng trong những sự kiện quan trọng, tôi thường chọn quần áo màu đỏ. Không hẹn mà gặp, hôm đó, cô Rosie Weston, người đại diện của tôi, cũng mặc chiếc áo đỏ rực. Rosie cho biết, cô nghe nói người châu Á quan niệm màu đỏ là may mắn nên chọn mặc áo như thế. Lúc ấy tôi tự tin hẳn, cảm thấy cơ hội chiến thắng đang tới gần", anh Nguyên nhớ lại.
Một ngày trước khi đấu giá, Rosie Weston lái xe đưa doanh nhân người Việt này đi tham quan TP Cheyenne, thủ phủ tiểu bang Wyoming, cách Buford chừng 50km. Anh Nguyên đã đến tòa nhà văn phòng bang Wyoming.
"Gặp phó thống đốc bang tại đây, khi Rosie giới thiệu tôi đến từ Việt Nam và có ý định đầu tư ở Buford, ông ấy rất ngạc nhiên. Phó thống đốc bang đến bắt tay tôi, bảo: "Tôi rất thích Việt Nam xinh đẹp. Một ngày nào đó, tôi sẽ đến thăm Việt Nam". Rồi ông đề nghị tôi vào văn phòng và chụp hình kỷ niệm", tân thị trưởng Buford kể.
Nguyên cho biết khi hay tin anh đến từ Việt Nam, ông Don Sammons, thị trưởng cũ của Buford, vui mừng ra mặt và đã dành nhiều thời gian trò chuyện với anh trước khi bắt đầu buổi đấu giá. "Tôi đang dự định mời ông ấy sang Việt Nam chơi một chuyến", anh Nguyên tỏ vẻ hàm ơn.
Máu kinh doanh thôi thúc
Mỹ có rất nhiều thị trấn nhưng có lẽ Buford nổi tiếng hơn hẳn vì nhỏ nhất. Cuộc đấu giá vừa qua càng làm cho Buford được biết tới nhiều hơn. Sau khi đấu giá Buford, một số thị trấn khác cũng định "ăn theo" nhưng chưa được báo chí quan tâm nhiều.
32 năm qua, Buford là thị trấn chỉ có một công dân - ông Don Sammons - nên nhiều người cho rằng doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã "hớ" khi bỏ ra gần 1 triệu USD để sở hữu, rằng nó không có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, với tân thị trưởng Buford, mức bán trong cuộc đấu giá đã phần nào chứng tỏ giá trị của nó.
"Mỗi người đến cuộc đấu giá đều định sẵn mức giá mà họ cho là hợp lý, cũng như lý do tại sao họ trả số tiền đó. Với tôi, 1 triệu USD là giới hạn cuối cùng cho Buford", anh cho biết.
Không phải vô cớ mà một người Việt xa xôi vội vàng đến Mỹ để trả 900.000 USD mua một thị trấn nhỏ xíu. Để quyết định mức giá này, anh Nguyên đã tham khảo nhiều bất động sản ở Mỹ. "Một ngày trước cuộc đấu giá, cô Rosie Weston đã đưa tôi đến một trạm xăng cách Buford khoảng 30km đang được rao bán với giá hơn 420.000 USD. Đó chỉ là trạm xăng thủ công - bơm tay, lại không còn hoạt động. Trong khi đó, Buford có một cửa hàng tiện lợi, một trạm xăng tự động, một căn nhà 3 phòng ngủ...
Quan trọng hơn, Buford được thành lập năm 1866, là thị trấn lâu đời thứ 2 tại Wyoming, lại có mã bưu điện riêng. Theo tài liệu mà hãng đấu giá cung cấp, năm 2011, Buford đã tạo ra lợi nhuận 150.000 USD. Lúc đó, máu kinh doanh của tôi trỗi lên và tôi nghĩ nếu đầu tư 900.000 USD thì khoảng 6-7 năm là có thể hoàn vốn được", anh Nguyên giải thích.
Không gì là không thể
Theo tân thị trưởng Phạm Đình Nguyên, điều tưởng như bất lợi nhất - chỉ có một cư dân sinh sống - lại giúp tạo nên danh tiếng cho Buford.
Báo chí Mỹ vốn rất quan tâm đến thị trấn này, khi nó thuộc sở hữu của một người Việt, nhiều người càng như lên cơn sốt. Ngay hôm đấu giá thành công, rất nhiều cư dân sống gần đó và khách vãng lai đã ghé đến Buford để "xem chân, xem cẳng" tân thị trưởng.
Tiếp đó, hằng ngày có hàng trăm người đến viếng thăm Buford, chụp hình dưới tấm bảng "Thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ Buford", mua hàng lưu niệm...
Nguyên cho biết IDS mà anh sáng lập chuyên hoạt động về phân phối và phát triển thương hiệu. Việc mua được Buford sẽ tạo cơ hội cho IDS đẩy mạnh phân phối cũng như làm cho nhiều người biết về các thương hiệu mà công ty này đang phát triển.
"Hiện nay, chi phí quảng bá thương hiệu rất đắt đỏ mà cũng chưa chắc người tiêu dùng nhớ đến. IDS là công ty quy mô trung bình, không có "của ăn của để" quảng cáo như những đại gia khác. Vì vậy, tôi luôn tìm kiếm những cơ hội độc đáo và việc mua Buford có thể giúp chúng tôi đổi đời. Hiện nay, Buford là một phần trong chiến lược quan trọng giúp IDS phát triển các thương hiệu, đồng thời đẩy mạnh hệ thống phân phối", anh tiết lộ.
Ý tưởng mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ đến một cách bất ngờ và doanh nhân Phạm Đình Nguyên cho rằng "những điều bất ngờ thường làm nên kỳ tích". "Từ ngày "dấn thân" vào Buford, tôi bận rộn hơn nhưng cảm thấy rất vui và phấn chấn, như thể mình làm được một điều mà nhiều người cũng có thể tự hào. Có người nói tôi khôn, người bảo dại nhưng hầu hết đều cảm thấy tự hào cho tôi vì đã làm được điều chưa ai nghĩ đến, mà có nghĩ đến thì cũng chưa chắc có ai dám làm", anh bày tỏ.
Nguyên khẳng định nếu phải bán lại Buford, chắc chắn anh sẽ bán cho người Việt. "Tôi muốn Buford sẽ mãi là biểu tượng của doanh nhân Việt với tinh thần "không có gì là không thể", anh nói.
"Trước mắt, tôi sẽ cố giữ lại những gì đã làm nên danh tiếng của Buford; đồng thời làm cho nhiều người biết hơn nữa về thị trấn này, do người Việt sở hữu", anh Nguyên tâm sự.
Khai thác danh tiếng
Nhiều người rất quan tâm đến việc tân thị trưởng Buford sẽ làm gì với thị trấn của mình. "Tôi không chủ trương xây nhà nghỉ, kinh doanh nhà hàng mà thiên về ý tưởng khai thác Buford từ chính danh tiếng của nó. Tôi sẵn sàng đầu tư để nhiều người biết thêm về Buford", anh Nguyên cho biết.
Nguyên tiết lộ anh đang tiếp cận một công ty ở TP Denver, bang Colorado - Mỹ để thực hiện một số ý tưởng về quảng bá cho Buford. Chẳng hạn, một cuộc thi tìm kiếm thị trưởng danh dự - người sẽ thay anh quản lý Buford ít nhất một năm. Anh cũng đang liên hệ với một công ty chuyên làm về pa-nô ở Wyoming.
Công ty này đang sở hữu pa-nô in hình ông Don Sammons đặt ngay trên đường xuyên bang cách Buford vài cây số. "Tôi định làm mới pa-nô này khi đã chính thức sở hữu thị trấn.Khi nhiều người biết đến Buford thì cơ hội khai thác thương hiệu này sẽ rất lớn, không chỉ ở Mỹ, Việt Nam mà còn ở các thị trường khác.Đây cũng là cơ hội để IDS quảng bá cho các thương hiệu mà tôi đang sở hữu", anh Nguyên bộc bạch.
Theo Người Lao động