Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Doanh nghiệp Việt trong hội nhập như đi trên cầu khỉ'

Đó là ví von của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương khi nói về khó khăn của doanh nghiệp Việt trong hội nhập.

Tại Diễn đàn doanh nhân nữ ASEAN 2016 sáng 4/3, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, ASEAN nói riêng và các FTA nói chung tạo ra cơ hội cho Việt Nam tự do lưu chuyển hàng hóa, vốn và lao động có kỹ năng.

Cơ hội cho Việt Nam là tăng khả năng đầu tư thương mại, đẩy mạnh tham gia các giá trị toàn cầu, đột phá về mọi mặt như quy mô, chất lượng, cạnh tranh... Bên cạnh đó, đặc thù của doanh nghiệp Việt sẽ mang tính thị trường hơn, vận hành tốt hơn. 

Ông nhận định: "ASEAN chính là tự do, tự do và tự do hơn; thị trường, thị trường và thị trường hơn và cũng là thuận lợi, thuận lợi và thuận lợi hơn". 

hoi nhap nhu di tren cau khi anh 1

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương 

cho rằng, doanh nghiệp Việt trong hội nhập như người đi trên một chiếc cầu khỉ chênh vênh. Ảnh: ĐNK.

Tuy nhiên, trong hội nhập và cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức này theo ông không chỉ nằm bên ngoài mà còn trong nội tại bên trong.

Ông ví von doanh nghiệp Việt trong hội nhập như hình ảnh người đi trên một chiếc cầu khỉ chênh vênh trong gió mùa đông bắc, gánh trên vai một hòn đá lớn. Hai bên họ là vực thẳm, phía trước là bao nhiêu chông gai, hố sâu.

"Đặc biệt, doanh nghiệp nữ đi ra trong hội nhập, họ luôn cảm thấy cô đơn, không thấy hình bóng hỗ trợ của Nhà nước đâu cả. Trong khi ở các nước khác, doanh nghiệp luôn có Nhà nước ở bên cạnh hỗ trợ, thúc đẩy thì ở Việt Nam chỉ là kiểm tra, kiểm soát", ông Cung chia sẻ thêm. 

Ông Cung nhắc lại hình ảnh doanh nghiệp Việt trong hội nhập như đi trên cầu khỉ, hòn đá lớn trên vai họ chính là các chi phí. Do đó, cần thiết phải giảm chi phí không cần thiết, xóa bỏ cơ chế kiểm tra thanh tra, phát hiện bằng được sai phạm của doanh nghiệp. Thay vào đó, Nhà nước cần hướng dẫn, hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Ông kết luận, thiếu một thể chế mới là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt. Vì thế, chỉ cần những cải cách mới, thể chế mới thì khả năng phát triển của doanh nghiệp trong cơ hội này sẽ bùng nổ. 

"Tôi nhìn thấy cơ hội rất mới của chúng ta. Đây là một dịp để chúng ta đổi mới tư duy, đổi mới thể chế để đi cùng với thời đại. Nếu không có sự đổi mới, chúng ta chỉ đứng bên rìa của hội nhập", ông nhấn mạnh.

Bàn về vai trò của doanh nghiệp nữ hiện nay, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, doanh nghiệp nữ chính là lực lượng xung kích trong chiến thắng phát triển đất nước. Do đó, doanh nghiệp cần có quan điểm kinh doanh dài hạn; tìm kiếm nguồn vốn tiềm năng; xây dựng thương hiệu riêng (nổi bật và khác biệt) áp dụng chuẩn mực tiêu chí của toàn cầu; chủ động hỗ trợ nhau nghiên cứu các FTA, đối tác kinh doanh thay vì ngồi chờ cơ quan nhà nước đến hướng dẫn.

"Điều đặc biệt quan trọng, cộng đồng doanh nghiệp nữ phải chủ động yêu cầu cơ quan Nhà nước đổi mới tư duy, cách thức quản lý, phù hợp, thân thiện với kinh doanh. Doanh nghiệp phải gây áp lực, đòi hỏi đổi mới để tận dụng cơ hội này bởi đây là thời điểm tăng tốc, để chúng ta không tụt hậu với các nước trong khu vực", ông Cung cho hay.

Bí thư Thăng: 'Chúng ta không thể thua trên sân nhà'

Theo ông Đinh La Thăng, không cẩn thận, người khác sẽ vào xây dựng các chuỗi, cửa hàng bán lẻ. Khi ấy, thị phần sẽ rơi vào nhà đầu tư nước ngoài, ta sẽ thua ngay trên sân nhà.


Thiên Minh

Bạn có thể quan tâm