Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng với bối cảnh mới, Việt Nam cần thay đổi tư duy để tham gia cuộc chơi mới này – hội nhập sâu rộng hơn. Nhưng trong cuộc chơi này không nên dùng chữ thắng thua. Điều quan trọng là mỗi quốc gia cần học hỏi lẫn nhau, cạnh tranh lẫn nhau.
- Quan điểm của ông về những những ý kiến cho rằng Việt Nam đang “tụt hậu” so với Lào và Campuchia?
Thực tế, đây là số liệu thống kê và dự báo chốt ở năm 2014, được công bố trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) vào đầu 2015. Theo tôi, đây không phải là số liệu báo cáo mới nhất. Cập nhật Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu GCR 2015-16, được công bố vào tháng 8/2015, Việt Nam vẫn được xếp hạng ở vị thứ 56, có sự cải thiện đáng kể. Theo báo cáo gần nhất này thì tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (18), Thái Lan (32), Indonesia (37) và Philippines (47).
Trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất. Lào và Campuchia lần lượt xếp thứ 83 và 90 theo bảng xếp hạng, cách xa Việt Nam. Đó là xếp trên thứ hạng dựa trên thang điểm tổng với 140 quốc gia tham gia khảo sát.
Tuy nhiên, đấy là câu chuyện của đầu năm 2015 và bây giờ đã là thời điểm của năm 2016 các tổ chức vẫn chưa có báo cáo thực tiễn để nhìn nhận đánh giá tình hình của mỗi quốc gia.
Riêng trong năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC bắt đầu có hiệu lực, lãnh đạo các nước trong khối đã có tuyên bố chung về tầm nhìn ASEAN. Tuyên bố chung này gắn với 4 trụ cột: Thị trường – một nền sản xuất thống nhất; Cạnh tranh và sáng tạo; Phát triển hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, hỗ trợ cho Lào, Campuchia, Myanmar; Một nền kinh tế khu vực mở - có tiếng nói chung. Bên cạnh AEC, TPP, còn ASEAN + 6, đã được ký kết và mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam bứt phá trong năm 2016.
Theo tôi, với bối cảnh mới, Việt Nam cần thay đổi tư duy để tham gia cuộc chơi mới này - hội nhập sâu rộng hơn. Nhưng trong cuộc chơi này không nên dùng chữ thắng thua. Bởi Việt Nam có tiến lên, Việt Nam có đóng góp cho khu vực và thế giới; ngược lại thế giới và khu vực có tiến lên Việt Nam có thể học hỏi. Và truờng hợp của Lào, Campuchia cũng vậy thôi. Điều quan trọng là mỗi quốc gia cần học hỏi lẫn nhau, cạnh tranh lẫn nhau.
Mỗi quốc gia có sự lựa chọn riêng cho mình. Một nghiên cứu về chuỗi giá trị ở Trung Quốc khá thú vị khi thắng, thua hay vượt mặt đều dựa vào cái bánh nền kinh tế của đất nước. Cái bánh ngày càng to rất nhanh, nên có thể tất cả cùng thắng nhưng với tỷ trọng nhỏ. Vì vậy vấn đề ở đây là giá trị tuyệt đối và tương đối của bánh nhưng quan trọng là mình dành được phần bao nhiêu.
Năm 1995, giá trị gia tăng do DN Trung Quốc tạo nên trong nền kinh tế Trung Quốc là 90% , DN FDI chỉ góp 10%… năm 2010: bánh to hơn nhưng giá trị gia tăng DN Trung Quốc chỉ chiếm 50%, DN FDI tạo ra 50% giá trị gia tăng của nền kinh tế. Điều này cho thấy cái bánh to ra dù tỷ trọng của DN Trung Quốc nhỏ đi nhưng Trung Quốc được lợi nhờ sự kết nối của DN trong và cả nước ngoài.
– Thưa ông, rất nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn đang ở thế bị động ngay trong AEC. Trong một thị trường chung đã mở, có hiệu lực, một trình độ tổ chức kinh doanh nói chung của cộng đồng DN nếu còn yếu kém thì khả năng VN tụt hậu sẽ xảy ra nếu chúng ta không thực sự cẩn trọng, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Hiện tại, ngân sách của chúng ta hết sức khó khăn, nợ công ngày càng gia tăng. Dù Việt Nam dưới ngưỡng hội nhập nhưng rủi ro lại cao dần lên. Như hệ thống ngân hàng đã qua cơn bĩ cực, dần bình thường nhưng vẫn còn một khoảng cách rất lớn để nó thực sự lành mạnh, đáp ứng được thông lệ chuẩn mực của quốc tế.
Khi nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng cao hơn sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, DN phát triển. Thế nhưng, bức tranh đó vẫn chưa rõ ràng. Sự tăng trưởng hồi phục chủ yếu ở một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là xuất khẩu. Công nghiệp và xuất khẩu thì bị chi phối, còn DN trong nước, đặc biệt DN vừa và nhỏ lại hết sức khó khăn.
Trong năm qua, nông nghiệp tăng trưởng chậm lại đáng kể: xuất khẩu giảm, mức tăng âm. Còn về dịch vụ, cách đây 3 năm, khi gia nhập WTO, mức tăng trưởng cao hơn kinh tế thế giới nhưng 2 năm trở lại đây lại thấp hơn mức tăng trưởng trung bình. Do đó, nó không còn là đầu kéo cho tăng trưởng nữa. Trong khi đó, dư địa chính sách, đặc biệt chính sách vĩ mô, tiền tệ, tài khóa của chúng ta còn rất hạn hẹp…
Như vậy có thể khẳng định chúng ta có nhiều điểm yếu. Chỉ so sánh Việt Nam trong chỉ số con so với Lào là phát triển cụm công nghiệp ngành và năng lực marketing, thì Việt Nam với định hướng phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đến 2020 đã cả chục năm, vẫn thua sau Lào là một quốc gia chưa vượt chúng ta về thu hút đầu tư FDI và phát triển công nghiệp. Cũng như, trong thời buổi mà hàm lượng giá trị chất xám sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sáng tạo, Việt Nam lại còn kém cỏi về marketing.
Những so sánh này thực sự Việt Nam cần xem xét lại mình. Do vậy, để không bị mang tiếng là kém cỏi, vượt mặt có lẽ Việt Nam cũng cần phải học ngay cả những quốc gia đựoc coi là “kém cỏi” hơn mình…
Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải học hỏi các quốc gia ngay sát nách, chứ chưa bàn tới thị trường mở rộng hay các DN ở những quốc gia xa xôi…
– Vậy chúng ta cần có những giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn trước mắt? Để không bị các nước láng giềng vượt mặt, thưa ông?
Theo tôi, trước hết chính sách tiền tệ phải được cân bằng, giữ ổn định thành quả kinh tế vĩ mô. Việt Nam làm sao phải cân bằng việc lãi suất, tính toán sao cho tương thích với sức ép mất giá đối với đồng tiền Việt Nam.
Chính sách tài khóa thâm hụt đang lớn dần, nhờ phục hồi có thể khá hơn chút. Nhưng một phần đóng góp rất lớn vào ngân sách là dầu thô lại đang giảm. Hạch toán Quốc hội đã thông qua là 60 USD một thùng nhưng hiện tại chỉ 30-35 USD một thùng.
Trong khi đó, nợ công vẫn tiếp tục gia tăng. Việt Nam vẫn phải dành một khoản rất lớn trong trái phiếu để trả nợ trước. Như vậy, còn đâu dư địa hỗ trợ cho quá trình phục hồi phát triển nền kinh tế.
Song quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế. Điều quan trọng nhất của Việt Nam là tận dụng được cơ hội. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất. Muốn tận dụng được cơ hội thì vai trò Nhà nước là rất lớn và nỗ lực của DN là rất cao. Trong đó, Nhà nước phải chuyên nghiệp, minh bạch và có tính xây dựng hơn. Còn DN phải thích ứng về mặt tuân thủ những đòi hỏi, tiêu chuẩn, cam kết mới.
Thách thức là đem lại lợi ích và tạo ra chất xúc tác mạnh cho nền phát triển. Song, trong ngắn hạn, không phải ai cũng sẽ tốt lên. Một số doanh nghiệp, người lao động sẽ phải chịu tác động tiêu cực do cạnh tranh, chưa đủ năng lực đáp ứng, chưa kịp chuyển đổi thích ứng.
Song cũng có nhiều cách giảm thiểu tác động tiêu cực. Theo đó, đứng về DN, với sân chơi rộng mở, họ phải có nỗ lực, tìm cách chuyển đổi. Đặc biệt trong lĩnh vực khó khăn, DN phải tự tìm ra những nhánh vẫn còn lợi thế so sánh. Nhà nước có thể hỗ trợ tài chính, đào tạo, thông tin để quá trình chuyển dịch, tìm kiếm cơ hội mới bớt khó khăn, nhọc nhằn hơn.
Trong năm 2016, ngành được kỳ vọng nhất với sự tăng trưởng hồi phục là một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là xuất khẩu. Đây là những chỉ dấu cho thấy trong cuộc cạnh tranh của thị trường hẹp thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải học hỏi các quốc gia ngay sát nách, chứ chưa bàn tới thị trường mở rộng hay các DN ở những quốc gia xa xôi…