Tại Diễn đàn Hiệp định TPP – Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam sáng 1/3, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho biết, TPP mở ra nhiều cơ hội song cũng nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Thành, khi tham gia các hiệp định tự do thương mại, không gian chính sách sẽ thu hẹp, mặc dù vai trò nhà nước vẫn lớn. Song cách thức sống và sản xuất kinh doanh vẫn phải thay đổi.
"Đây là bối cảnh mà Việt Nam phải đối mặt. Chúng ta có yêu hay không yêu, ghét hay không ghét thì thế giới vẫn bị chi phối bởi hàng trăm doanh nghiệp đa quốc gia. Vì thế, chúng ta có phê phán hay nhìn với ánh mắt không thiện cảm nhưng không thể không bắt tay họ - cho dù cái bắt tay đó chưa chắc mang lại thành công”, ông Thành chia sẻ.
Ông Võ Trí Thành,
Chuyên gia Kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương. Ảnh: Phan Anh. |
Khi gia nhập TPP, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhất theo nghĩa tương đối. Một số ngành sẽ được hưởng lợi nhiều và điển hình là về mạng sản xuất và giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử, thuỷ sản, nông sản…
Tuy nhiên, điều này phải gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi Việt Nam có tận dụng được lợi thế đó hay không khi doanh nghiệp không lớn lên được, thậm chí còn có xu hướng cá thể hoá, li ti hóa vẫn là câu hỏi lớn?
Trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, cuộc sống đòi hỏi sản phẩm xanh, sạch hơn mà phải đáp ứng những tiêu chuẩn thông lệ. Bên cạnh đó, không chỉ phải thay đổi công nghệ, tạo năng suất, quản trị tốt hơn mà phải thay đổi theo xu hướng lớn và cá thể hoá sản xuất kinh doanh, ông Thành cho biết.
Chuyên gia này cũng nhận định, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nền tảng vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Do đó, việc cần làm là phải có một lực đẩy mới cho cải cách bằng cách tác động qua lại giữa cải cách trong nước và hội nhập (TPP, RCEP, FTA Việt Nam-EU…) trở nên sâu sắc hơn.