Tại Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2016 diễn ra ở TP HCM, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra đánh giá, hầu hết khối kinh tế nội địa chỉ nhìn được “cái vỏ lợi ích” của hội nhập chứ chưa thực sự quan tâm đến việc vận hành ra sao để tồn tại được trong đó.
Nếu năm 2016 là năm bản lề đưa nền kinh tế chính thức vào hội nhập thì những năm trước đó, mà cụ thể là 2015, chúng ta phải có bước chuẩn bị tốt nhất. Tuy vậy, theo ông, nhìn nhận và phân tích về các con số tăng trưởng của năm 2015, bước chuẩn bị đang thực sự có vấn đề, thể hiện nội lực kém.
Ai hưởng lợi từ hội nhập?
Theo ông Thiên, những con số lạc quan như mức phục hồi tăng trưởng ổn định, lạm phát luôn duy trì thấp “quá mức cần thiết” luôn được thể hiện trong báo cáo hàng năm. Nhưng điều này cũng không thể khỏa lấp được những yếu kém từ nội tại.
"Rõ ràng mức phục hồi này là nhờ sự đóng góp lớn của FDI. Nếu mà tăng trưởng chủ yếu FDI thì chủ yếu lợi ích sẽ dành cho khu vực này thụ hưởng. Như vậy nên cần phải nhìn vào sự phục hồi đó để biết trọng tâm chính sách cần đầu tư cho khu nào để đảm bảo sức khỏe khi cạnh tranh", ông nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Ảnh: ĐT. |
Cụ thể, tăng trưởng GDP ở 6,68% vượt kế hoạch 6,2%, CPI ở mức 0,56%, lạm phát cơ bản 2,05% thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Trong khi đó, mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu thấp nhất trong 5 năm qua đạt 162,4 tỷ USD, tuy nhiên khu vực FDI đã chiếm hơn 70% tổng giá trị này.
Ông cho rằng, mức phục hồi tăng trưởng được công bố cần làm rõ 2 vấn đề: Ai là tác nhân lớn tạo nên đà phục hồi này và tiếp theo ai sẽ là người được hưởng lợi ích.
Viện trưởng Kinh tế đưa kết luận, với các con số vừa phân tích, khu vực đầu tư nước ngoài được nhìn nhận như là một nhân tố chủ chốt phục hồi cho nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, hiển nhiên lợi ích tăng trưởng cũng thuộc về họ. Trong khi đó, các khối kinh tế nội địa cũng chỉ "vớt bèo" trong đà tăng trưởng này.
Theo ông, thực tế hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một nhỏ đi cả về quy mô lẫn ảnh hưởng. Tư duy chính sách vĩ mô chưa phù hợp để đảm bảo cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Mặt khác, cấu trúc kinh tế của Việt Nam dựa rất nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài nên tiến vào hội nhập thì tư duy chính sách vĩ mô này thực sự có vấn đề. "Khi không nhanh chóng thay đổi cấu trúc vĩ mô tác động đến khu vực kinh tế nội địa thì rõ ràng đây là một 'thảm họa' khi hội nhập", ông nêu quan điểm.
Ở hiệp định thương mại tự do nào, Việt Nam cũng đang ngồi cửa dưới. Ảnh minh họa: Anh Tuấn. |
"Số liệu thống kê về doanh nghiệp đóng cửa ngày một tăng lên đang làm cho nhiều người lo ngại về mức cạnh tranh và đó là dấu hiệu không tốt.
Năm 2015 DN đóng cửa tăng 22,4% so với năm 2014. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm, con số đóng của tăng 17,3% so với 2 tháng đầu năm 2015. Số thành lập có thể lớn hơn nhiều nhưng điều quan trọng cần phải quan tâm đến con số đóng cửa, nếu không tính nguy kịch của con số đóng cửa lan ra là rất lớn".
Ông Trần Đình Thiên
Việt Nam vẫn ở cửa dưới
Vấn đề cơ bản nhất hiện nay, theo ông, là thái độ đối với môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và cả nhà làm chính sách vẫn chưa đúng mức.
"Lẽ ra, khi hội nhập, chất lượng, quy mô của doanh nghiệp cần phải được nâng cao thì trong vài năm gần đây, doanh nghiệp lại vỡ vụn. Đó là mâu thuẫn. Tham gia vào một trò chơi lớn mà thể lực thiếu hụt ngay từ đầu thì chiến đấu thế nào? Có trò chơi mới nhưng không biết cách thức vận hành trò chơi và cũng không ai hướng dẫn thì thực sự là bi kịch", ông Thiên cho biết.
Người đứng đầu Viện Kinh tế cho rằng, các FTA đang tô hồng về cơ hội phát triển kinh tế, nhưng là trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam cần phải nỗ lực hết sức trong ngắn hạn. Dù thế, nỗ lực thay đổi hay tháo gỡ các điểm nghẽn chính sách mới là vấn đề. Theo ông, bây giờ mà còn tháo gỡ chính sách thì không kịp nữa mà hãy lựa chọn sự thay đổi. Trước mắt phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào khối đầu tư nước ngoài tăng nội lực và khả năng tự chủ của mình.
"Nhưng theo tôi vấn đề này hơi khó, bởi chúng ta tham gia vào các hiệp định này luôn bị đánh giá thấp so với đối tác ở đẳng cấp cao như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc. Ở FTA nào Việt Nam cũng là cửa dưới, vì vậy cần phải bám vào các nền kinh tế này nếu muốn cất cánh. Tuy nhiên điều quan trong là đến giờ chúng ta có đủ sức bám vào hay không hay sẽ chỉ được một thời gian ngắn rồi rơi xuống và bất tỉnh", ông Thiên nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, FTA luôn mở ra cơ hội nhưng để đánh giá được giá trị cốt lõi là khó khăn. Trước mắt, nền kinh tế Việt Nam sẽ cảm thấy hưng phấn khi các cơ hội liên tiếp mở ra, song việc tận dụng được nó hay không có thể sẽ là một bi kịch.