Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp Việt nói không với Trung Quốc ra sao?

Nhiều doanh nghiệp đều chung quan điểm, cần thể hiện tinh thần yêu nước với các cuộc mít tinh hòa bình, phản đối chính quyền Trung Quốc nhưng không kỳ thị người dân nước này.

Sau vụ việc quá khích của một số công nhân tại Bình Dương, không ít người lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và việc làm của hàng ngàn người lao động.

Giám đốc một doanh nghiệp da giầy (xin giấu tên) đóng trên địa bàn Bình Dương cho biết mấy ngày qua ông theo sát tình hình ở Bình Dương cũng như các khu công nghiệp lân cận như Amata, Tân Tạo, Long An…Trên quan điểm cá nhân, ông rất bức xúc trước tình trạng một số người quá khích đập phá tài sản của doanh nghiệp. Nhưng ông cho rằng, công nhân chính là những nạn nhân đáng thương. Họ bị kích động và thậm chí có người bị ép buộc bởi các thành phần đầu gấu, lưu manh.

Với sự vận động của ông cùng một số chủ doanh nghiệp khác, sáng 15/5, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đồng loạt treo cờ Việt Nam, trấn an công nhân yên tâm sản xuất.

Chén cơm manh áo là mối lo hàng đầu của hàng ngàn công nhân hiện nay.     Ảnh: Hải Đường.

Hiện nay, tình hình ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, cũng như ở tỉnh lân cận đã lắng xuống. Chủ doanh nghiệp nói trên cũng cho biết về vật chất, tỉnh không phải bồi thường, do những công ty này đều có bảo hiểm. Nhưng về mặt tinh thần, chính quyền cần có các biện pháp trấn an và bảo đảm an ninh cho doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Bất động sản Đất Lành, TP.HCM, cho rằng người dân tuần hành, phản đối chính quyền Trung Quốc chứ không kỳ thị nhân dân và doanh nghiệp nước này.

"Chúng ta cần thể hiện tinh thần yêu nước của mình trong các cuộc mít tinh hòa bình, không bạo lực. Hành vi đó đã làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Nếu không cẩn trọng, coi chừng sập bẫy của Trung Quốc", ông Đực nói.

Doanh nhân TP.HCM kêu gọi người dân bình tĩnh

Bên cạnh việc ủng hộ vật lực cho lực lượng cảnh sát biển, cộng đồng doanh nhân TP.HCM kêu gọi người dân bình tĩnh trước sự kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Giới hạn nào khi nói “không” với Trung Quốc

Về vấn đề tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, ông Đực cho rằng người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng hàng Trung Quốc kém chất lượng. Những hàng hóa này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tiêu dùng mà còn tác động đến nhiều nhà sản xuất Việt Nam, nền kinh tế bị chảy máu “tiền” sang Trung Quốc.

Vấn đề người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, ông Đực cho biết không phải là điều mới mẻ mà từ thời Pháp đã có. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc cũng như con dao hai lưỡi, bởi hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam cũng hoàn toàn có thể bị đối xử tương tự ở Trung Quốc.

Việc
Theo các doanh nghiệp, người tiêu dùng nên "nói không" với hàng Trung Quốc kém chất lượng. Ảnh: Minh Quân.

Ông Đực cũng cho rằng, mọi doanh nhân đều có cách đối phó với tình hình hiện tại. Tùy diễn biến của vấn đề, họ sẽ có cách ứng xử phù hợp, nhưng dựa trên nền tảng hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và của cả người lao động. 

Tẩy chay hàng Trung Quốc từ chợ online tới chợ truyền thống

Hàng loạt fanpage được lập ra để bàn luận biện pháp tẩy chay hàng Trung Quốc, cộng đồng mạng kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam rầm rộ trên nhiều trang mạng xã hội.

Người Hoa vẫn buôn bán bình thường

Từ hơn hai tuần nay, ông Trương Phát, chủ 3 sạp hàng kinh doanh bao bì tại chợ Bình Tây, quận 6, TP.HCM vẫn buôn bán bình thường. Kinh doanh tại chợ này đã 32 năm, mấy ngày nay, ông cùng nhiều bạn bè đồng hương theo dõi sát diễn biến thông tin việc Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 xuống biển Đông. Đó cũng là đề tài chính trong những giờ vãn khách của các chủ hàng người Hoa tại chợ. Ông Phát cho biết, hoạt động buôn bán tại các sạp của ông chưa bị ảnh hưởng gì, lượng hàng bán ra vẫn duy trì bình thường, không sụt giảm.

Hàng hóa tại sạp của ông không chỉ nhập từ Trung Quốc mà lấy cả từ nguồn Việt Nam. Nhiều khách mua hàng (bất kể người Việt hay người Hoa), mối hàng cũng hỏi thăm, và ông đều trấn an khách. “Là người Hoa nhưng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên hoạt động của chúng tôi cũng như mọi người Việt Nam khác”, ông Phát chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Trung, cán bộ phụ trách tổng hợp, thuộc Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết, hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ vẫn diễn ra bình thường, tiểu thương người Hoa kinh doanh tại chợ hiện chiếm hơn 20%. Ban quản lý chợ cũng đã động viên, thăm dò tâm lý tiểu thương, đa phần đều cho biết chưa bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng trên biển Đông, và hầu hết đều bày tỏ mong muốn yên ổn để kinh doanh, buôn bán.

Tại chợ Kim Biên, anh Vĩ Th, người Quảng Đông (Trung Quốc), chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị máy móc, cho biết vừa nhận lô hàng máy móc gửi từ Trung Quốc sang và không gặp bất cứ trở ngại gì. Nhiều mối hàng, khách mua lẻ từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước vẫn gọi điện đặt hàng bình thường. Đại diện Ban quản lý chợ Kim Biên cũng cho biết, họ đang tiến hành công tác nắm bắt và trấn an tư tưởng cho tiểu thương yên tâm kinh doanh, buôn bán. Bước đầu thông tin từ 24 tổ trưởng, ngành hàng cho thấy, tiểu thương không hề bị dao động, họ vẫn duy trì việc kinh doanh buôn bán bình thường.

Hải Đường - Nam Thiên

Bạn có thể quan tâm