Ngày 14/12, UBND Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp năm 2022. Tại đây, đại diện các hiệp hội chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua khi phải cắt giảm nhiều lao động, chuẩn bị lương thưởng trong bối cảnh đơn hàng giảm sút, xuất nhập khẩu khó khăn.
Nới room tín dụng là tín hiệu tốt nhưng chưa đủ
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phúc Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA), nhìn nhận tình hình của doanh nghiệp trong nước khi bước vào quý IV/2022 không còn khả quan như đà tăng trưởng của bức tranh chung trước đó.
"Hàng loạt vấn đề đột ngột nảy sinh, đổ dồn vào cùng một thời điểm khi đơn hàng giảm sút, hoạt động xuất nhập khẩu khó khăn", ông Long nói và cho rằng ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến giảm sút nghiêm trọng trong năm 2023.
Theo Phó chủ tịch HanoiBA, "điệp khúc" khát vốn, thiếu tiền liên tục lặp đi lặp lại hơn một tháng qua. Hàng loạt vấn đề dồn dập xuất hiện liên quan đến tiền tệ, hết room tín dụng, nâng cao lãi suất để chống lạm phát, thị trường chứng khoán đi xuống, trái phiếu doanh nghiệp sai phạm, giải ngân đầu tư công chậm...
"Trong hoàn cảnh doanh nghiệp phải chạy đua để hoàn thành các đơn hàng cuối năm, công nợ không thể thu hồi, việc chuẩn bị các khoản lương thưởng cho người lao động dịp Tết đang thực sự trở thành gánh nặng với cộng đồng doanh nhân hiện nay", theo ông Long.
Ông Long cũng cho biết có đơn vị trong HanoiBA đã phải cắt giảm 80% lao động. Ngoài ra, có chủ doanh nghiệp phải bán cả tài sản cá nhân để duy trì lao động và dừng luôn việc tham gia hoạt động xã hội để đương đầu với khó khăn.
Phó chủ tịch HanoiBA Nguyễn Phúc Long trao đổi tại hội nghị sáng 14/12. Ảnh: Phạm Hùng. |
Cùng chia sẻ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đang rất khó khăn do thiếu vốn sản xuất.
Ông Quốc Anh cho rằng với một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như phải kê khai số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp…
Trong đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Ngoài ra, chính sách nới room tín dụng là một tín hiệu tốt nhưng vẫn chưa đủ với cơn khát vốn của doanh nghiệp.
"Giá cả tăng cao nên sức mua giảm, thị trường thu hẹp, hàng hóa tồn kho nhiều, cộng thêm những khó khăn về tài chính ở trên làm cho các doanh nghiệp lao đao và đứng trên bờ vực phá sản", ông Quốc Anh chia sẻ.
Nỗi lo khi vay gói hỗ trợ lãi suất
Về gói hỗ trợ 2% lãi suất, ông Quốc Anh cho rằng đa số doanh nghiệp "lắc đầu" vì khó tiếp cận do không đủ điều kiện đáp ứng, không đủ điều kiện giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ. Đồng thời, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định...
Ngoài ra, số ít chủ doanh nghiệp cho biết không muốn vay gói này do thủ tục rắc rối, phức tạp hoặc lo ngại bị cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất.
Trong khi đó, việc thiếu bài bản trong quản lý tài chính doanh nghiệp dẫn đến ngân hàng khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ nên sẽ hạn chế cho vay. Trên cơ sở đó, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị Hà Nội cho phép doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hạ lãi suất ngân hàng.
Ông cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu, tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế cho những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được UBND Hà Nội tổ chức sáng 14/12. Ảnh: Trọng Tùng. |
Chia sẻ về gói hỗ trợ 2% lãi suất, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, cho biết chương trình có nguồn tiền từ ngân sách Nhà nước nên cả ngân hàng thương mại và khách hàng đều thận trọng.
Việc này nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách.
"Ngoài ra, tâm lý e dè về công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý Nhà nước sau này cũng là một trở ngại", ông Tuấn thừa nhận và cho biết các ngân hàng thương mại đang tiếp tục rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách, làm việc với khách hàng để xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục có kiến nghị, đề xuất cụ thể bằng văn bản. Trong đó phân loại rõ theo nhóm vấn đề và thẩm quyền giải quyết để thành phố tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố, các sở, ngành sẽ rà soát lại và sớm có văn bản trả lời cho các đơn vị.
Chủ tịch Hà Nội cũng lưu ý các ngân hàng tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng tình cảm, trách nhiệm vì "giúp doanh nghiệp là giúp chính mình". Đồng thời, Cục Thuế Hà Nội đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế thời điểm cuối năm.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.