Tại kỳ họp thứ 10 của HĐND Hà Nội chiều 9/12, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề thoát nước và xử lý nước thải.
Tại đây, các đại biểu HĐND đặt câu hỏi về quan điểm của lãnh đạo thành phố khi nhiều dự án thoát nước bị chậm tiến độ so với cam kết và các giải pháp phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Tính lại giá nước thải để kêu gọi đầu tư
Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết tại các kỳ họp HĐND trước đó, lãnh đạo sở, ngành của thành phố cam kết nhiều về thời gian, tiến độ thực hiện các dự án thoát nước và xử lý nước thải.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng thời gian cam kết cần được cân nhắc kỹ vì "nhiều việc nằm ngoài tầm kiểm soát, trong khi nếu không làm đúng hạn thì thành thất hứa với dân". Do đó, thời gian hoàn thành các dự án sẽ phải được ước lượng cụ thể rồi mới cam kết.
"Sang năm 2023, thành phố sẽ triển khai đồng loạt phần mềm mới để nhắc việc, nếu chưa có phần mềm thì làm bằng tay để có người đi đôn đốc. Việc này nhằm nâng cao kỷ cương, kỷ luật", theo Chủ tịch Hà Nội.
Chia sẻ thêm, người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho rằng thành phố hiện có dân số bằng 10% cả nước, số lượng doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng số công chức, cán bộ lại không khác biệt với khu vực khác. So với khối lượng công việc cần làm, thời gian và nguồn lực của thành phố rất hạn chế.
Ông Thanh lấy ví dụ Hà Nội hiện có gần 1.000 dự án chậm tiến độ, trong khi phòng quản lý dự án chỉ có 5 cán bộ nên không thể quản lý toàn bộ. Do đó, thành phố cần tổ chức phân cấp, phân quyền lại để đảm bảo hiệu quả công việc.
"Mỗi dự án là một thân phận khác nhau nên nếu chỉ có 5 cán bộ quản lý hàng trăm dự án thì rất khó. Nhưng thành phố không lấy đó làm lý do để công việc yếu kém, mà cần giải pháp để tổ chức công việc tốt hơn, trong đó cần áp dụng công nghệ quản lý", ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải trình các câu hỏi của đại biểu HĐND thành phố, chiều 9/12. Ảnh: Xuân Hải. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu về khắc phục những tồn tại khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải, Chủ tịch UBND Hà Nội nêu quan điểm "Nhà nước chỉ làm những việc mà tư nhân không làm". Do đó, thành phố luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm các dự án, còn nếu không có người làm thì mới tính đến đầu tư công.
Dù vậy, ông Thanh nhìn nhận nếu không có lợi nhuận, giá tốt thì không doanh nghiệp nào dám đầu tư nên trong năm nay, thành phố sẽ thống nhất về cơ cấu giá dịch vụ công. Đồng thời, lãnh đạo Hà Nội cùng Sở Tài chính sẽ tính lại giá nước thải để cơ cấu, kêu gọi đầu tư.
"Với giá thu gom rác thải cũng vậy, thành phố phải bù lỗ rất lớn vì không thể làm theo quy định tính rác theo cân. Trong khi không có giá rác tốt thì không doanh nghiệp nào dám nhận để xã hội hóa, không ai dám bỏ ra trăm tỷ để làm", ông Thanh cho biết.
Về hệ thống rác thải làng nghề chưa được đầu tư, Chủ tịch Hà Nội cho rằng lãnh đạo các cấp, đặc biệt cấp cơ sở cần kiểm điểm lại khi chưa có sự quan tâm đầy đủ về lĩnh vực này, "có lẽ vì chưa ảnh hưởng trực tiếp đến mình".
Theo đó, ông Thanh cho biết UBND thành phố sẽ làm rõ phân cấp trách nhiệm của các sở, ngành ủy ban với quận, huyện về việc này.
Bản chất cải cách hành chính là thái độ của cán bộ
Báo cáo tiếp thu giải trình nội dung trong phiên chất vấn của các đại biểu HĐND cùng ngày, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội. Các khó khăn có thể nhiều hơn năm 2022.
Ông Thanh nhìn nhận điều kiện nguồn lực của thành phố có hạn nhưng phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại về cơ cấu kinh tế lạc hậu, quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường...
Do đó trong năm 2023, chính quyền thành phố sẽ vận hành hệ thống theo dõi giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Ngoài tính năng kiểm điểm, đôn đốc công việc, hệ thống này cũng là cơ sở thông tin, dữ liệu để theo dõi, đánh giá cán bộ công chức, cơ quan đơn vị, làm căn cứ để xem xét thi đua khen thưởng và quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ, công chức.
"Quan điểm cải cách hành chính của thành phố là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn là con người. Bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp", ông Thanh cho biết.
Cùng với đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo Hà Nội tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách và định hướng dài hạn phát triển thủ đô. Một trong số đó là đảm bảo tiến độ dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.