Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của HĐND thành phố, sáng 7/12. Ảnh: Thanh Hải. |
Phát biểu tại kỳ họp thứ 10 của HĐND Hà Nội, sáng 7/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá trong năm qua, thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, cơ bản và toàn diện trên mọi mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Dù vậy, ông cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề còn hạn chế và gây bức xúc.
Ùn tắc, úng ngập, quản lý quy hoạch... gây bức xúc
Theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, những tồn tại, yếu kém vẫn còn khi một số nơi ùn tắc giao thông, úng ngập. Quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng còn xảy ra, chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Những điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đồng thời, tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn và có xu hướng chậm dần qua các năm; công tác phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao.
"Bên cạnh đó, thành phố có sự biến động về lãnh đạo chủ chốt đã tác động đến thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế xã hội thủ đô", ông Dũng nói.
Bí thư Hà Nội cho rằng năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, tiềm ẩn nhiều thách thức. Trong đó, tình hình thị trường bất động sản, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực cho sự phát triển của thủ đô.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.
Đồng thời, thành phố tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô.
Dự án này đã được Hà Nội ký kết giao ước thi đua với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 phục vụ khởi công dự án.
Vận hành thương mại đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội
Liên quan vấn đề về hạ tầng, báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Hà Nội nêu rõ mục tiêu hoàn thành, trình Thủ tướng Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô.
Theo Phó chủ tịch Hà Nội Hà Minh Hải, thành phố đã lên kế hoạch cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ; tiếp tục đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị.
Cụ thể, trong năm 2023, Hà Nội dự kiến vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài và thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…
Phối cảnh dự án cầu vượt chữ C ở nút giao phố Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: BQL. |
Đồng thời, thành phố hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công dự đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô; xây dựng và thực hiện đề án khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường dự án này.
Ông Hải khẳng định thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hậu kiểm việc thực hiện quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Hà Nội cũng sẽ thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.