Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Gánh nặng chồng chất của người lao động mất việc trước Tết

Chới với, xoay xở, nỗ lực tìm công việc mới… là tình cảnh chung của nhiều công nhân thời gian gần đây. Bỗng dưng mất việc cận Tết, người lao động gánh chồng chất khó khăn.

“Cho chai nước ngọt đi Mười. Làm thêm tô mì gói luôn”, một người phụ nữ nói khi bước từ phòng trọ bên cạnh qua phòng trọ của bà Mười.

Căn phòng trọ chừng 15 m2 có gác, chật chội, sát cửa sổ có một cái kệ nhỏ đặt khoảng chục chai nước ngọt. Cạnh đó là 3-4 dây gói dầu gội, sữa tắm, nước xả vải. Đó là tất cả đồ đạc để “khởi nghiệp” của bà Mười (55 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12) sau khi vừa bị Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam cho nghỉ làm.

8 năm gắn bó với công ty, bà Mười cũng như hàng trăm công nhân khác chỉ có công việc ở đây là nguồn thu nhập chính và gần như duy nhất. Bỗng dưng mất việc, bà Mười xoay xở mua một ít đồ đạc để bán cho người quanh xóm trọ, chủ yếu để có “công chuyện làm”.

Còn những người lao động không còn phương án nào khác thì cuống cuồng tìm cách xoay xở để có tiền trang trải cuộc sống.

Mất việc cận Tết, công nhân mở tạp hóa tại phòng trọ Hàng nghìn lao động tại TP.HCM mất việc nhưng vẫn bám trụ ở thành phố. Trong thời gian chờ việc mới, nhiều người mở tạp hóa ngay trong phòng trọ để có thu nhập nuôi gia đình.

Bỗng dưng mất việc

Gần 19h, nhiều phòng trong khu trọ bà Mười vẫn khóa cửa im lìm. Người dân xung quanh cho hay công nhân mất việc phải tự tìm kế mưu sinh, có người tới tối khuya mới thấy trở về.

Khu trọ có khoảng 40 phòng nằm trong một con hẻm trên đường Lê Văn Khương, xen lẫn với các nhà dân. Ánh đèn lay lắt chỉ đủ nhìn rõ mặt người khiến không gian càng thêm ảm đạm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (53 tuổi), quản lý một dãy trọ ở đây, cho biết sau khi mất việc, có nhiều công nhân trả phòng về quê, một số chuyển đi nơi khác cho gần chỗ làm việc mới. Bản thân cũng từng là công nhân, bà Hạnh hiểu sẽ chật vật ra sao khi tự nhiên mất việc làm.

Phòng trọ bị trả lại nhưng mà tôi mong cho những công nhân sớm tìm được việc làm mới, ổn định để trang trải cho cuộc sống

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (53 tuổi)

“Tôi rất đồng cảm với họ. Thời điểm này cũng gần Tết rồi, bao nhiêu thứ phải lo mà giờ mất việc làm như vậy. Xoay xở khó khăn. Tuy phòng trọ bị trả lại nhưng mà tôi mong cho những công nhân sớm tìm được việc làm mới, ổn định để trang trải cho cuộc sống”, bà Hạnh chia sẻ.

Trong căn phòng rộng chừng 15 m2, chị Thạch Thị Saphia (40 tuổi, quê Trà Vinh) cặm cụi chuẩn bị bữa tối đạm bạc cho hai vợ chồng. Trong diện tích nhỏ hẹp đó còn treo những quyển lịch các năm trước của Công ty May Sun Kyoung Việt Nam tặng.

Ngày 10/11 vừa qua, công ty này đã dừng hoạt động. Toàn bộ 826 công nhân viên buộc phải nghỉ việc. Trong đó, có 644 nữ, 182 nam, 14 người đang mang thai và 10 công nhân có con nhỏ dưới 12 tháng.

Hơn 4 năm cùng nhau làm việc tại Công ty May Sun Kyoung, vợ chồng chị Saphia thất nghiệp cùng lúc. Đột nhiên mất thu nhập, cả “đoàn tàu” phía sau 2 người rơi vào cảnh khốn đốn. Dù được công ty hỗ trợ một tháng lương, số tiền ấy cũng như “muối bỏ bể” khi vợ chồng phải gồng gánh, chăm lo cho gia đình ở quê.

Nhìn bữa cơm nay chỉ còn dưa muối và cá khô, chị Saphia cố giấu tiếng thở dài. “Vợ chồng làm chỉ có đủ chứ không dư, ngoài tiền gửi chăm con thì còn đang phải trả góp mấy món đồ trong nhà. Biết trước mất việc thì tôi đâu dám sắm sửa gì”.

Những món đồ trả góp mà chị Saphia nói là một chiếc tủ lạnh và máy giặt. Chị nói tủ lạnh đã trả hết, vừa mua máy giặt, tính góp trả dần hàng tháng thì bỗng dưng thất nghiệp. Giờ vừa lo tiền sinh hoạt hằng ngày, gửi về cho con ở quê, lại còn phải chắt chiu để trả góp cho cửa hàng.

Cách phòng trọ của chị Saphia vài căn, gia đình ông Nguyễn Tiến (44 tuổi) cũng chung hoàn cảnh. Ông có 2 người con, con gái lớn 18 tuổi đang đi học nghề, bé nhỏ học lớp 6 được ông bà ở Sóc Trăng chăm sóc giúp. Mỗi tháng, ông Tiến gửi về quê 4 triệu đồng. Nhưng bỗng nhiên rơi vào cảnh mất việc, điều ông sợ nhất không phải là thiếu ăn, thiếu mặc, mà là không có tiền gửi về quê nuôi con.

“Ở đây thiếu nhiều hơn đủ nhưng dù sao vẫn hơn ở quê. Ráng tới Tết, giờ về quê thì nhịn đói”, ông Tiến chia sẻ.

Cách đó khoảng 20 km, tại cửa ngõ phía Tây của thành phố, đường Kinh Dương Vương đoạn nối với quốc lộ 1A ngập trong nước sau cơn mưa chiều. Di chuyển vào sâu trong đường nhỏ, những mái nhà cấp 4 cũ kĩ, xập xệ là nơi gần chục công nhân đang mòn mỏi đợi hướng giải quyết từ Công ty TNHH Ta Shuan (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân).

Cùng mất việc nhưng người lao động tại đây mang nhiều lo lắng bởi họ không những mất nguồn thu nhập mà cả trợ cấp cũng không nhận được do công ty nợ BHXH nhiều năm khoảng 7 tỷ đồng.

Trải qua 10 năm ăn Tết xa quê, thời điểm dịch bệnh, chị Thùy Trang chỉ đi làm cầm chừng song đây là lần đầu chị thấy “mọi thứ khó khăn đến thế”.

“Tôi nghỉ không lương từ đầu tháng. Làm ở đây 10 năm, giờ mất hết, trợ cấp cũng không có để tiêu Tết. Bữa giờ ở quê cũng gọi kêu gửi tiền về nhưng thật sự trong túi tôi chỉ còn có 15.000 đồng. Giờ tôi chỉ mong công ty sớm thanh toán bảo hiểm để chúng tôi còn xoay xở cuộc sống”, chị Trang bùi ngùi.

Nỗi lo của người phụ nữ cũng là bận tâm chung của nhiều lao động mất việc thời điểm cuối năm. Bởi không chỉ riêng những công ty này mà hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng có động thái cắt giảm nhân sự hoặc giờ làm, khi chỉ còn vài chục ngày nữa là Tết Nguyên đán.

Gian nan tìm việc mới

TP.HCM chưa có thống kê cụ thể về số lượng lao động phải nghỉ Tết sớm. Song mấy tháng qua, nhiều công ty có quy mô từ nhỏ đến lớn tại TP.HCM có thông báo về việc cắt giảm lao động, giảm giờ làm ngay trước thời điểm cuối năm.

Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) dự kiến cắt giảm hơn 1.400 lao động từ 16/12 với lý do khó khăn trong sản xuất. Gần 1.200 công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cũng đã kết thúc những ngày làm việc cuối cùng tại công ty.

Nơi có lượng công nhân viên đông nhất TP.HCM là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với hơn 50.000 người lao động cũng nghỉ luân phiên từ ngày 1/12 đến 28/2/2023 do đơn đặt hàng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó là hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực may mặc, gỗ, địa ốc, xây dựng… chịu ảnh hưởng từ “làn sóng” cắt giảm.

Gắn bó suốt thời gian dài với một công ty khiến chị Saphia không có nhiều kỹ năng để xin công việc và thử sức ở môi trường khác. Chị cho biết dự định về quê Trà Vinh, đợi hết Tết mới tính đường tìm việc mới.

Trong khi đó, vợ chồng ông Tiến đã tìm được công việc tại một nhà máy may tư nhân. Chưa quan tâm đến mức lương, 2 người chỉ biết có công việc là có nguồn sống. Bắt đầu công việc mới, vợ kiểm hàng, chồng đóng khuy quần áo, không có thâm niên, cả 2 chấp nhận mức lương thấp hơn và không có tăng ca. Tại đây, họ được ký hợp đồng làm việc một năm, cuộc sống tạm ổn định.

“Con nhớ mẹ, gọi điện cho tôi suốt nhưng mới đi làm được 6 ngày, tôi không dám nghe máy. Tôi phải dặn con đừng gọi cho mẹ, lỡ người ta đuổi là cả nhà không có gì ăn”, vợ ông Tiến cười trừ.

Khi hàng trăm, hàng nghìn công nhân cùng mất việc, bước ra khỏi cửa là gặp người thất nghiệp thì cơ hội tìm việc lại càng khó khăn hơn

Chị Thạch Thị Saphia (40 tuổi)

Gia đình chị Saphia, chị Trang hay ông Tiến chỉ là số ít đại diện trong hàng nghìn hoàn cảnh chịu ảnh hưởng do mất việc, giảm thu nhập trước Tết. Người may mắn thì tìm được công việc mới, dù phải chấp nhận mức lương thấp. Số còn lại vẫn đang loay hoay.

Ngồi ở dãy nhà trọ, công nhân nhà máy May Sun Kyoung Việt Nam vẫn hay nhắc về công ty cũ, về lời hứa công nhân sẽ có công việc sau Tết, khi đã có đơn hàng mới. Thế nhưng, thông tin công ty đang tiến hành thủ tục giải thể khiến họ không còn mặn mà về ngày trở lại.

"Khi hàng trăm, hàng nghìn công nhân cùng mất việc, bước ra khỏi cửa là gặp người thất nghiệp thì cơ hội tìm việc lại càng khó khăn hơn", chị Saphia thở dài khi bày dĩa có vài con khô, một ít dưa cải cho bữa tối của hai vợ chồng.

Ngày mai, người phụ nữ này sẽ lại xách xe chạy đi tìm việc làm.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Bình Dương hỗ trợ công nhân mất việc, giảm giờ làm

UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo nhiều sở, ngành tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng.

Hoài Thanh - Ngọc Trang

Bạn có thể quan tâm