"Đây là đợt lao động bị ngừng việc lớn nhất từ trước tới nay ở Bình Dương", ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương, nói với Zing và chia sẻ con số khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, thống kê còn ghi nhận khoảng 80.000 lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và 240.000 người lao động bị giảm giờ làm.
Theo ông Tuyên, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu ở khối dệt may, da giày, sản xuất gỗ. Họ phải cắt giảm nhân sự do bị tác động xấu bởi tình hình thế giới không có đơn hàng.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhiều biện pháp để không phát sinh các vụ ngừng việc, tranh chấp, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tăng cường kết nối cung-cầu lao động
Để giải quyết tình trạng trên, ông Tuyên cho biết Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương đã tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
"Chúng tôi cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về chính sách lao động, bảo hiểm xã hội cho người lao động", ông Tuyên nói.
Khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng từ đầu năm đến nay trên địa bàn Bình Dương. Ảnh: Hoàng Giám. |
Đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan hướng dẫn cho các doanh nghiệp và người lao động thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động. Trong đó, chú trọng đảm bảo các quy định về trả lương trong thời gian ngừng việc, không để người lao động bức xúc dẫn đến tranh chấp lao động tập thể, đình công.
Trong văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong trường hợp có xảy ra tranh chấp lao động tập thể - đình công.
Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động
Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp được UBND Bình Dương giao tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng.
Đơn vị phải thống kê, rà soát tình hình lao động ở các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để có hướng điều tiết các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng.
Sở Kế hoạch - Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp duy trì hoạt động, tạo thêm việc làm mới.
Các doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Bình Dương đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Ảnh: Hoàng Giám. |
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương được yêu cầu chỉ đạo Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đơn vị cũng vừa gửi danh sách gần 30 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để công nhân có nhu cầu xem xét, ứng tuyển vào đơn vị phù hợp.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng vừa hoàn tất kế hoạch chăm lo, hỗ trợ người lao động trên toàn tỉnh, với phương châm Tất cả đều có Tết. Đây cũng là hoạt động thường niên và ý nghĩa của các cấp Công đoàn ở Bình Dương được duy trì nhiều năm qua.
Chợ Tết Công đoàn năm 2023, Chuyến tàu xuân nghĩa tình 2023 là hai trong số nhiều hoạt động ý nghĩa, sát thực tế được tỉnh tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp Tết và hồi hương sắp tới của người lao động khó khăn tại Bình Dương.
Trong chuỗi chương trình này, người lao động được mua các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, kết hợp vui xuân, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và tư vấn pháp luật, tặng quà...Với những người lao động có nhu cầu đón Tết ở quê thuộc các tỉnh từ Bình Thuận trở ra đến Hà Nội cũng sẽ được tạo điều kiện vé đi và trở lại an toàn, chu đáo.
Năm 2022, tổng dự toán kinh phí tạm tính chi hỗ trợ Tết Nguyên đán Nhâm Dần của toàn tỉnh Bình Dương là hơn 229 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021.
Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.