Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham Việt Nam), người đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam 27 năm, đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo ông, cuộc chiến chống dịch kéo dài lâu hơn và vẫn có thể tiếp tục trong tương lai. Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm Korcham Việt Nam, hy vọng về trạng thái bình thường mới trong thời kỳ dịch bệnh. Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, Việt Nam cần đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho người dân và duy trì các hoạt động kinh tế.
Người lao động được tiêm phòng càng sớm, đất nước càng có thể nhanh chóng bắt đầu lại những hoạt động thương mại như bình thường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đẩy mạnh tiêm chủng
Nói với Zing, ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - nhận định mức độ ảnh hưởng đối với dây chuyền sản xuất phần lớn phụ thuộc vào việc đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này sẽ kéo dài bao lâu, tốc độ kiểm soát virus và khả năng tiêm vaccine nhanh chóng cho những nhân viên tuyến đầu ở các khu công nghiệp, cơ sở y tế và những lĩnh vực thiết yếu khác.
"Người lao động được tiêm phòng càng sớm, chúng ta càng có thể nhanh chóng bắt đầu lại những hoạt động thương mại như bình thường", ông Cany nhận định.
"Dĩ nhiên, đợt bùng phát càng kéo dài, tác động xấu đến dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và sinh kế sẽ càng lớn", ông cảnh báo.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham (Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam) Hà Nội - nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để trở lại cuộc sống bình thường là tiêm chủng. "AmCham cũng tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ của ông tặng thêm vaccine cho Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi Mỹ đã cung cấp 5 triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam", ông Sitkoff chia sẻ với Zing.
Chúng ta cần phải chuẩn bị cho một trạng thái bình thường mới. Điều đầu tiên là tăng cường tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cho người dân
- Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Korcham Việt Nam
Ông Hong Sun - Phó chủ tịch Korcham Việt Nam - cũng đưa ra một số đề xuất và kiến nghị để duy trì các hoạt động kinh tế trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh.
"Trong bối cảnh chống dịch triệt để tại nhiều nơi, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho một trạng thái bình thường mới", ông Hong Sun nói.
Đầu tiên là tăng cường tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cho người dân. Theo ông Hong Sun, các doanh nghiệp Hàn Quốc thuộc Korcham sẽ tích cực hưởng ứng các phong trào và tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Việt Nam nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho toàn dân.
"Các quốc gia Mỹ, Anh và Israel khá thành công trong việc tiêm chủng đại trà và đang trở về cuộc sống bình thường. Việt Nam đã làm rất tốt trong việc phòng dịch Covid-19, nhưng chỉ riêng việc chống dịch sẽ không thể giải quyết vấn đề hoàn toàn", ông Hong Sun bình luận.
"Chỉ vaccine mới có thể giải quyết vấn đề lâu dài. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay đối với Việt Nam là đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine và triển khai tiêm chủng đại trà một cách quyết liệt, từ đó đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường", ông nhấn mạnh.
Tối thiểu hóa việc phong tỏa
Ngoài ra, theo ông Hong Sun, để duy trì sản xuất trong điều kiện hiện tại, Việt Nam cần tối thiểu hóa việc phong tỏa. "Chẳng hạn, nếu phát sinh một ca nhiễm Covid-19 mới, chúng ta nên tập trung vào một nhà máy thay vì toàn bộ khu công nghiệp", ông gợi ý.
Theo ông, đại dịch có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhưng nếu hệ thống chuỗi giá trị của Việt Nam bị gián đoạn, việc trở lại sẽ mất rất nhiều thời gian.
"Vừa đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người dân, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế là rất khó. Tuy nhiên, cả hai đều quan trọng. Chúng ta không nên hy sinh ngành sản xuất và kinh doanh quá nhiều", ông Hong Sun bình luận với Zing.
Ngoài ra, vị phó chủ tịch hiệp hội cho rằng Chính phủ nên tìm hiểu và áp dụng bong bóng du lịch giữa Việt Nam và các nền kinh tế đang khống chế dịch bệnh tương đối tốt trong khu vực, chẳng hạn Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Trong bài phát biểu với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Văn phòng Chính phủ sáng ngày 8/8, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Hong Sun cũng đưa ra các kiến nghị giúp giảm nhẹ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo ông, Chính phủ cần đưa ra những chính sách hỗ trợ thông quan như thủ tục thông quan khẩn 24/24.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, theo ông Hong Sun, do đợt bùng phát dịch lần thứ 4, các dự án cần có chuyên gia, quản lý điều hành từ nước ngoài sang hỗ trợ đã bị đứt gãy, chuỗi cung ứng liên kết gián đoạn, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trở nên khắt khe hơn.
Quy định miễn cách ly đối với người nhập cảnh dưới 15 ngày đã được thảo luận từ tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa có đại diện doanh nghiệp nào có thể nhập cảnh thuộc diện này. "Đây là điều mà rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm và mong muốn được triển khai trong thời gian sớm nhất", ông chia sẻ trong bài phát biểu.
Nói với Zing, ông Hong Sun nhận định dịch Covid-19 không phải vấn đề riêng của Chính phủ hay nhân dân Việt Nam. "Đó cũng là mối lo lớn đối với chúng tôi, những nhà đầu tư, doanh nhân Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam và coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai", ông chia sẻ.
AmCham tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ của ông tặng thêm vaccine cho Việt Nam
- Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội
"Cuộc chiến chống dịch Covid-19 cần đến sự hợp sức của Chính phủ, người dân, các tổ chức và doanh nghiệp, bao gồm tổ chức và doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Chúng ta cần tuân thủ theo những quy định, hướng dẫn và chỉ thị của Chính phủ để đối phó với đại dịch", ông kết luận.
Còn ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội - cũng cho biết đang thảo luận với các cơ quan chức năng về một số vấn đề liên quan đến Covid-19, bao gồm việc di chuyển, hoạt động kinh doanh, mua và tiếp cận vaccine, cũng như một số khuyến nghị nhằm giảm bớt quy định đối với những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến Việt Nam.
Theo ông, các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang điều chỉnh chuỗi cung ứng để giảm thiểu sự gián đoạn do đại dịch. "Ưu tiên hàng đầu của các công ty là giúp đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên. Họ có nhiều cách khác nhau để hỗ trợ lực lượng lao động trong thời kỳ dịch bệnh", ông Sitkoff chia sẻ.
"Chúng bao gồm các chính sách làm việc linh hoạt hơn, những biện pháp an toàn và mở rộng xét nghiệm Covid-19. Cùng với đó là đảm bảo tiếp cận vaccine, hỗ trợ về nơi ở và phương tiện đi lại tạm thời, cũng như một số hỗ trợ khác cho người lao động", ông nói thêm.
"Đây là khoảng thời gian đầy thử thách đối với tất cả chúng ta và các lãnh đạo doanh nghiệp có nghĩa vụ giúp đỡ khi có thể", ông Sitkoff nhấn mạnh.