Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết tổ chức này đã gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Công Thương và Bộ Y tế, yêu cầu làm rõ các thông tin xung quanh công bố của Vinastas về nước mắm của các doanh nghiệp nhiễm asen.
Cả ngành thủy sản sẽ bị vạ
Theo bà Liên, việc lấy mẫu kiểm tra bất ngờ và công bố thông tin không rõ ràng của Vinastas đang đẩy các doanh nghiệp nước mắm truyền thống tới bờ vực của việc phá sản.
Trong khi đó, nước mắm Phú Quốc là thương hiệu của quốc gia, được bảo hộ tại nhiều thị trường nước ngoài. Các công bố về tiêu chuẩn chất lượng, độ đạm… của nước mắm Phú Quốc đều do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chứng nhận, cấp phép.
Hiệp hội thủy sản và các các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống sẽ có buổi họp vào ngày 20/10 xung quanh thông tin 67% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen do Vinastas công bố. Ảnh: Đình Hòa. |
“Khảo sát của Vinastas không rõ ràng khiến doanh nghiệp sản xuất nước mắm hoang mang, lo lắng”, bà Liên nhấn mạnh.
Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cũng cho biết các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại địa phương đang rất bức xúc vì thông tin nước mắm có asen vượt ngưỡng vừa được công bố.
"Địa phương có hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở làm nước mắm truyền thống. Riêng hiệp hội có 44 hội viên, 2 ngày nay tôi đã tiếp hơn 10 hội viên đến phản ứng. Họ đề nghị phải làm rõ chuyện công bố này và nhanh chóng thông báo ngay đến người tiêu dùng và nhà sản xuất, tránh gây tâm lý hoang mang", ông Hiến nói.
Ông Hiến cho rằng cách làm của Vinastas không chỉ giết chết nước mắm truyền thống mà giết cả ngành thủy sản.
"Họ không nói rõ ràng, trong khi ai cũng biết trong cá có asen hữu cơ, là không độc hại. Nhưng họ cứ lập lờ vậy, người tiêu dùng không hiểu đâu, rồi ngư dân đánh cá về bán cho ai", ông Hiến bức xúc.
Theo ông Hiến, muốn công bố sản phẩm chuẩn cho nước mắm truyền thống thì các cơ quan chuyên môn phải lấy mẫu ở các nhà sản xuất, không thể sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Kiểm tra với nước mắm công nghiệp cũng làm như vậy. Và việc này phải công khai, rõ ràng…
Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho biết thêm nhiều doanh nghiệp tại địa phương làm ra nước mắm truyền thống nhưng không đủ sức phân phối đến người tiêu dùng, mà phải bán cho doanh nghiệp làm nước mắm công nghiệp.
Doanh nghiệp đặt hàng các cơ sở sản xuất làm ra nước mắm quanh mức 20 độ đạm, rồi về pha chế, đóng chai, đưa ra thị trường quảng cáo là nước mắm làm từ tinh cốt cá cơm. Điều này là phi lý, vì ai cũng biết nước mắm 20 độ đạm không phải nước mắm cốt.
Báo cáo Thủ tướng trước 22/10
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 18/10, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho hay từ ngày 12/10, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP HCM.
Việc công bố lập lờ nước mắm nhiễm asen đang gây phản ứng dữ dội trong cộng đồng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống nhiều tỉnh thành. Ảnh: Đình Hòa. |
Thời gian tới, đoàn thanh tra sẽ mở rộng tới một số địa phương khác có truyền thống sản xuất nước mắm như Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo ông Phong, mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.
Việt Nam có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, cung cấp 2 triệu lít/năm. Tất cả nguyên liệu đầu vào do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát.
Liên quan đến câu chuyện tranh cãi nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp những ngày qua, ông Phong khẳng định ở Việt Nam không có khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên, nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Thủ tướng trước ngày 22/10.
Còn ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, thông tin cách đây 4 tháng, Bộ đã giao lực lượng thanh tra các địa phương rà soát và lấy mẫu nước mắm, làm cơ sở cho việc thanh tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như mặt hàng nước mắm trên toàn quốc vào năm 2017.
Đây là đợt thanh tra lớn nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm nước mắm, sau những lo ngại của dư luận đối với chất lượng của mặt hàng này.
"Khi đã thanh tra thì phải minh bạch và phải làm tận cùng. Sản phẩm cuối cùng được đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng phải được kiểm tra, đánh giá chất lượng một cách đầy đủ”, ông Chính khẳng định.
Chiều 17/10, Vinastas đã công bố Kết quả khảo sát nước mắm trong cả nước năm 2016. Theo đó, chỉ có 25 trong tổng số 150 mẫu được lấy thử nghiệm (tương ứng 16,67%) đạt theo TCVN 5107:2003, 101 (67%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín), một loại á kim cực độc.
Kết quả khảo sát này đang gây hoang mang cho người tiêu dùng. Còn các chuyên gia và doanh nghiệp đều nghi ngờ tính chuẩn xác của kết quả khảo sát.