Chiều ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, có đến 101/150 mẫu được kiểm định chất lượng có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép.
Đáng chú ý, 95,65% nước mắm độ đạm càng cao, chứa thạch tín càng nhiều.
Quy định asen vô cơ, sao lại khảo sát asen tổng?
Trao đổi với báo giới bên lề cuộc họp chiều 17/10, tiến sĩ Trần Thị Dung, chuyên gia thuỷ sản cho rằng những thông tin về asen trong kết quả khảo sát trên là không đúng vì tiêu chuẩn Việt Nam không có. Hiện tại, chỉ có quy chuẩn về kim loại nặng như chì, thuỷ ngân....
"Tại sao không khảo sát tất cả kim loại nặng khác mà lại chỉ chọn asen?", tiến sĩ Dung đặt câu hỏi.
Cũng theo bà, Bộ Y tế chỉ quy định asen vô cơ nhưng ở đây lại khảo sát asen tổng, rồi kết luận asen vô cơ không có. Chưa kể kết quả khảo sát còn kết luận các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng.
“Kết quả khảo sát như vậy là không công bằng đối với ngành sản xuất nước mắm, nhất là nước mắm truyền thống vốn có độ đạm cao”, tiến sĩ Dung nói.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Vinastas trả lời báo chí bên lề cuộc họp. Ảnh: Kiều Linh. |
Nhiều người nêu câu hỏi, tại sao Vinastas công bố nước mắm có asen vượt ngưỡng cho phép nhưng lại khẳng định không có asen vô cơ, nước mắm vẫn an toàn. Vậy asen trong nước mắm có ảnh hưởng đến sức khoẻ không. Nếu không, công bố kết quả khảo sát để làm gì?
Trong khi đó, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Vinastas, khẳng định việc kiểm nghiệm đưa kết quả khách quan, chính xác, qua trung tâm uy tín.
Cụ thể, các mẫu sản phẩm khi lấy đều được chia thành hai đơn vị mẫu và gửi song song đến hai trung tâm kiểm nghiệm có uy tín trong cả nước là: Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng 3 và Trung tâm Vệ sinh dịch tễ TP.HCM.
Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, từ chối bình luận về kết quả khảo sát. Ông Quang nói thêm, chỉ khi cơ quan Bộ Y tế lấy mẫu, nếu phát hiện nước mắm có kim loại nặng, vi sinh vượt giới hạn cho phép thì Bộ sẽ công bố, có ý kiến.
'Nếu asen hữu cơ không an toàn thì ngành thủy sản chết lâu rồi'
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thủy sản 584 Nha Trang cho rằng về nguyên tắc, nước mắm đạm càng cao thì thạch tín càng nhiều là do làm từ tinh chất cốt cá mà trong cá có asen hữu cơ.
"Về bản chất asen hữu cơ không độc hại, nên sản phẩm 584 Nha Trang đạm 60 nếu có hàm lượng thạch tín trên 4mg/l vẫn an toàn. Đối với các sản phẩm khác của công ty thì có hàm lượng asen thấp hơn", ông Diệp nói.
Ông Diệp cho rằng việc thông tin 67% nước mắm chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng không đúng bản chất sẽ khiến người tiêu dùng hoang mang, thiệt hại cho doanh nghiệp và ngành sản xuất nước mắm truyền thống.
“Phải hiểu là asen hữu cơ có trong mắm là từ cá, xưa nay con người vẫn ăn nghêu, sò, cá không có hại gì. Nếu asen hữu cơ không an toàn thì ngành thuỷ sản chết từ lâu rồi chứ đừng nói gì đến ngành mắm”, ông Diệp cho hay.
Nhiều người tiêu dùng hoang mang với kết quả khảo sát của Vinastas. Ảnh minh hoạ. |
Ông Diệp mong cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc sớm, để tránh nguy hiểm cho ngành mắm và ngành thuỷ sản.
Hiện, doanh nghiệp cũng chưa nhận bất cứ thông tin nào từ phía cơ quan khảo sát. Chính vì vậy, để đảm bảo thương hiệu, công ty đã liên hệ nhà khoa học để kiểm định lại và giải thích rõ rằng asen hữu cơ vượt ngưỡng trong nước mắm là an toàn.
Trong khi đó, ông Tuấn từ Vinastas khẳng định đơn vị không có trách nhiệm gửi kết quả danh sách 88 thương hiệu được khảo sát có hàm lượng asen vượt ngưỡng, trừ khi cơ quan quản lý yêu cầu.
Nếu các doanh nghiệp trên thị trường muốn biết thông tin mình có nằm trong danh sách hay không phải liên hệ, Vinastas sẽ công bố.
Người tiêu dùng hoang mang
Trong khi chờ đợi các cơ quan lên tiếng, người tiêu dùng hoang mang trước những thông tin nhiễu loạn về nước mắm và chất lượng của nó.
Chị Đào Huyền Trang, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay gia đình chị có thói quen đặt mua nước mắm Cát Hải từ người quen ở Hải Phòng về ăn quanh năm, vừa dùng làm nước chấm, vừa dùng để nấu. Chủ cửa hàng là người quen nên yên tâm, chị không bao giờ để ý đến độ đạm cao hay thấp. Nhưng kể từ khi nghe thông tin nước mắm độ đạm càng cao, hàm lượng thạch tín càng nhiều khiến chị lo sợ.
“Không biết đồng tiền lâu nay chi ra có đáng đồng tiền bát gạo không hay lại rước hại vào thân. Nhưng thời gian này, tôi tạm dừng không ăn nước mắm thay vào đó dùng bột canh, chờ có kết quả cuối cùng từ Bộ Y tế”, chị Trang nói.
Chị Trang chỉ là một trong những bà nội trợ được một phen “hú hồn” với công bố nước mắm vượt ngưỡng thạch tín. Trên mạng xã hội, các trang web chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại và cho biết sẽ ngưng sử dụng nước mắm một thời gian, chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.