Ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, kết quả thử nghiệm 150 mẫu khảo sát cho thấy có tới 101 mẫu có asen tổng không đạt quy định (chiếm 67%).
Cụ thể, hàm lượng asen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0 mg/l đến 5 mg/l. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng asen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l.
'Kết quả sơ bộ'
Trao đổi với Zing.vn, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Vinastas, cho hay sau khi có kết quả khảo sát 101/150 mẫu có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng, cơ quan kiểm tra tiếp tục lấy 20 mẫu thì đều không phát hiện asen vô cơ, với giới hạn là 0,01 mg/l.
"Như vậy nước mắm vẫn an toàn, người tiêu dùng không nên quá lo ngại", ông Tuấn nói.
67% các mẫu nước mắm khảo sát có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép. Ảnh: NDH. |
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, có 51% mẫu kết quả có chỉ tiêu Nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hoá; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin, 2% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ amoniac.
Liên quan đến thông tin này, ông Tuấn cho rằng nước mắm vẫn an toàn nhưng người tiêu dùng đang phải trả tiền cho quảng cáo ảo.
Cũng theo ông Tuấn, việc công bố danh sách 88 thương hiệu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép không thuộc trách nhiệm của Vinastas mà thuộc về cơ quan quản lý.
"Mục đích của khảo sát này là thông tin cho người tiêu dùng biết thực trạng của ngành nước mắm. Sau hội thảo, nếu cơ quan quản lý nhà nước cho phép công bố chúng tôi mới công bố", ông Tuấn nói.
Ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch Vinastas, cho biết do còn nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện trên khảo sát trên diện rộng hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng báo cáo này có thể cung cấp những kết quả sơ bộ để giúp các cơ quan chức năng quản lý thị trường nước mắm.
Minh bạch thông tin cho người dùng
Từ những kết quả trên, Vinastas cũng kiến nghị cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý các cấp nghiên cứu để sớm có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm đang sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung nhãn mác nước mắm và công bố kết quả kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời, theo Vinastas cần có biện pháp quản lý việc công bố thông tin trên nhãn mác sản phẩm của doanh nghiệp.
Vinastas cũng kiến nghị các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về bản chất của sản phẩm nước mắm như: phương pháp chế biến, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, dung lượng và các nội dung khác theo quy định một cách chính xác và trung thực, đảm bảo vệ sinh an toàn nước mắm từ nguyên liệu đến thành phẩm.
Về phía người tiêu dùng, Vinastas khuyên rằng cần phải trang bị kiến thức để lựa chọn sản phẩm an toàn. Việc lựa chọn nước mắm phải thoả mãn tiêu chí: hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao, nhưng đảm bảo an toàn vệ sinh, ưu tiên lựa chọn nước mắm có danh tiếng nhãn hàng uy tín, được nhà nước bảo hộ thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Trước đó, Vinastas đã tiến hành lấy mẫu khảo sát nội dung ghi nhãn và các nhóm chỉ tiêu hóa học về thành phần cấu tạo, an toàn thực phẩm của nước mắm gồm: Thành phần hóa học (nitơ toàn phần; nitơ axit amin và nitơ amoniac); Hàm lượng kim loại nặng (Asen hay còn gọi là thạch tín) và hàm lượng muối.
Tổng số lượng mẫu khảo sát là 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10 g/L đến 60 g/L của 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.
Theo nội dung ghi trên nhãn, các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành trên toàn quốc bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định...