Chiều 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, có đến 101/150 mẫu được kiểm định chất lượng có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, 95,65% nước mắm độ đạm càng cao, chứa thạch tín càng nhiều.
Sau khi nhận thông tin, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nghi ngờ tính chuẩn xác của nghiên cứu, gây hại nước mắm truyền thống. Phó tổng thư ký Vinastas Vương Ngọc Tuấn khẳng định kết quả khảo sát được thực hiện đúng quy trình và khách quan.
- Sau khi Vinastas công bố hàm lượng asen trong nước mắm vượt ngưỡng cho phép 1 mg/l gây hoang mang dư luận và tạo luồng ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Xin ông cho ý kiến về vấn đề này?
- Tôi nhắc lại, Vinastas thực hiện khảo sát 150 mẫu nước mắm được lấy trên thị trường. Kết quả thử nghiệm cho thấy có tới 101/150 mẫu có asen tổng không đạt quy định, vượt ngưỡng cho phép asen tối đa có trong nước chấm là 1,0 mg/l, chiếm 67% số mẫu kiểm nghiệm. Trong asen tổng này bao gồm cả asen hữu cơ và asen vô cơ. Mà bản chất asen hữu cơ không độc hại, còn asen vô cơ thì có độc.
Sau đó, Hội tiếp tục lấy 20 mẫu của 101 mẫu có hàm lượng asen vượt ngưỡng để kiểm định ở hai phòng thử nghiệm là Viện y tế công cộng TP.HCM và Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng 3. Kết quả không phát hiện asen vô cơ, chứng tỏ là asen hữu cơ. Như vậy là nước mắm vẫn an toàn.
- Cả nước có hơn 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm mà Vinastas chỉ chọn có 150 mẫu để kiểm tra thì làm sao đảm bảo khách quan?
- Chúng tôi lấy 150 mẫu của 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản. Các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành trên toàn quốc bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định... nên không thể nói là không khách quan.
- Nhưng trong kết quả Vinastas công bố ghi có đến 95,5% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá hàm lượng asen vượt quy định, không nói rõ asen vô cơ hay hay hữu cơ?
- Tức là trong 101 mẫu đều có asen cao vượt ngưỡng 1 mg/l, với sản phẩm có hàm lượng trên 40 độ đạm trở lên, 95,5% thì có hàm lượng asen vượt ngưỡng. Đó là asen hữu cơ.
- Nhiều ý kiến cho rằng khảo sát này có lợi cho các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp còn các nhà sản xuất nước mắm truyền thống độ đạm cao thì bất lợi?
- Điều đó hoàn toàn không chính xác. Chúng tôi khảo sát về cơ bản là 150 mẫu nước mắm có độ đạm từ 10 gr/l trở lên, không phân biệt mắm công nghiệp hay truyền thống.
Trong báo cáo phân tích chúng tôi nói rõ nước mắm phải là nước mắm nên chúng tôi muốn nhà sản xuất công nghiệp hay truyền thống đều phải minh bạch về thành phần, nguồn gốc, chất lượng mà theo quy định họ phải công bố.
- Nếu asen hữu cơ vượt ngưỡng cho phép, tức là sản phẩm vẫn an toàn, không gây độc, thế mục đích đưa ra kết quả khảo sát này để làm gì?
- Chúng tôi đã giải thích rất rõ rồi. Mục đích là Hội muốn có thông tin, khảo sát độc lập đưa thông điệp nhất định đến người tiêu dùng có thông tin đầy đủ về chất lượng, thành phần dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nước mắm hiện nay.
Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra thông điệp góp tiếng nói để thương hiệu nước mắm được nâng cao. Và gửi đến cơ quan quản lý xem xét, cần bổ sung, sửa đổi gì về tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh thực phẩm về nước mắm.
Ví dụ TCVN 5107: 2003 được phát hành từ năm 2003 đến nay là 13 năm rồi chưa thay đổi mà theo quy định 5 năm xem xét 1 lần. Hay chưa có QCVN về nước mắm. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để quy định hàm lượng asen như thế nào cho đúng.
- Việt Nam không có quy chuẩn về asen trong nước mắm. Còn theo quy chuẩn về kim loại nặng thì tại sao không khảo sát tất cả kim loại nặng khác như chì, cadimi, thủy ngân… mà lại chỉ chọn asen?
- Theo QCVN 8-2 2011/BYT là nước chấm nhưng trong đó có cả nước mắm. Tôi không có tiền khảo sát, chỉ khảo sát trên cơ sở nguồn lực và xác định cái nào cần khảo sát. Các chỉ tiêu này mang tính chất hoá học, quan trọng, thường được ghi trên nhãn mác.
Phó tổng thư ký Vinastas Vương Ngọc Tuấn. Ảnh: Kiều Linh. |
- Quy trình khảo sát được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi mua nước mắm trên thị trường tại siêu thị, nhà phân phối, đại lý phân phối của doanh nghiệp, thậm chí mua tận tay ở doanh nghiệp. Sau đó, mã hoá đưa vào hai phòng thử nghiệm, mỗi một mẫu chúng tôi có hai mẫu thử nghiệm.
Hai phòng thử nghiệm là Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng 3, nơi các phòng thử nghiệm được công nhận và Viện Y tế công cộng TP.HCM là nơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Bộ Y tế chỉ định kiểm định chất lượng nước mắm. Chúng tôi đã kiểm nghiệm đồng thời và cho ra kết quả.
Quá trình khảo sát, thử nghiệm kéo dài từ tháng 8 đến bây giờ là hơn 1,5 tháng.
- Kinh phí thực hiện khảo sát bao nhiêu tiền và Hội lấy từ đâu?
- Chúng tôi có nhà tài trợ nhưng tôi không tiết lộ được.
- Dư luận cho rằng Hội đang nhận tiền từ doanh nghiệp nước mắm công nghiệp để thực hiện cuộc khảo sát này?
- Tôi khẳng định Hội không nhận bất cứ đồng tiền của doanh nghiệp nào trong cuộc khảo sát asen có trong nước mắm này.