Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đoạn kết buồn của nữ kình ngư từng đoạt 16 HCV quốc gia

Trước Ánh Viên, Nguyễn Thị Kim Tuyến là nữ VĐV số một của bơi Việt Nam. Tuy nhiên, cô quyết định giải nghệ ở tuổi 21 vì tương lai mù mịt nếu tiếp tục gắn bó với đường đua xanh.

“Nếu cứ tiếp tục tập luyện, thành tích của tôi chỉ có đứng lại hoặc đi xuống. Cảm giác như thế rất bất lực dù ngày nào tôi cũng tập luyện. Một tuần tôi tập đều đặn 12 buổi, cả sáng lẫn chiều nhưng thành tích như thế nên thấy nản lắm. Hơn nữa, tập trung cho bơi nên tôi không còn thời gian để làm chuyện khác. Tôi không muốn đánh đổi tương lai của mình nên xin nghỉ để chuyên tâm cho việc học”, Kim Tuyến chia sẻ về quyết định dứt khoát của mình. Nhưng không phải ai cũng có thể dũng cảm như cô.

Tượng đài của bơi TP HCM

Trong quá khứ, bơi TP HCM có một VĐV rất nổi tiếng là Nguyễn Kiều Oanh. Cô giành 14 HCV (3 tiếp sức) và phá 5 kỷ lục tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 1990. Tuy nhiên, thành tích này không thể so được với Nguyễn Thị Kim Tuyến. VĐV sinh năm 1994 này đã giành đến 16 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Một năm sau đó, tại giải vô địch quốc gia hồ bơi ngắn toàn quốc tại Huế, Kim Tuyến giành 16/17 HCV của đoàn TP HCM, giúp họ độc chiếm ngôi đầu.

Kim Tuyến vượt tượng đài Kiều Oanh về số huy chương mang về cho đoàn TP HCM.
Kim Tuyến vượt tượng đài Kiều Oanh về số huy chương mang về cho đoàn TP HCM.

'Tiểu Ánh Viên' và con đường dài đến đỉnh vinh quang

Tại Giải bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á 2015, kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm đã đoạt 9 HCV, phá 5 kỷ lục trong đó có nội dung cô vượt qua thành tích đoạt HCĐ SEA Games.

Kim Tuyến xuất thân từ một gia đình lao động nghèo ở quận 4, TP HCM. Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào tiệm sửa đồng hồ của bố và việc may gia công của mẹ. Gia cảnh khó khăn như thế, Kim Tuyến không tự mình tìm đến bơi lội. Tài năng của cô được phát hiện nhờ chủ trương tìm kiếm các tài năng của Trung tâm TDTT quận 4.

Nhờ ý chí phấn đấu rất cao, tiếp thu nhanh và say mê bơi lội, Kim Tuyến đã tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau 2 năm tập luyện, cô đã được đưa vào đội năng khiếu trọng điểm của tại trung tâm Yết Kiêu. Trong thời gian này, cô được HLV Trần Duy Mỹ huấn luyện. Chính ông là người có ảnh hưởng đến quyết định dấn thân theo nghiệp bơi.

“Hết cấp 2, bố mẹ muốn tôi dừng bơi để chuyên tâm theo con đường học hành. Nhưng thầy khuyên là sinh viên học ra trường thất nghiệp nhiều lắm, còn nếu tập bơi sau này có thể chuyển ra làm HLV. Lúc đó, tôi đặt ra quyết tâm giành được huy chương SEA Games, còn trước đó không hề có suy nghĩ sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp”, Kim Tuyến tâm sự về quyết định của mình. Ngoài bơi, Kim Tuyến có đến 9 năm liền đoạt danh hiệu học sinh giỏi từ tiểu học đến trung học.

Dấn bước trên đường đua xanh, VĐV có quê nội ở Quảng Ngãi đã thống trị đấu trường trong nước trong vài năm trước khi Ánh Viên nổi lên. Năm 2012, cô có 6 tháng tập cùng Ánh Viên bên Mỹ nhưng sau đó dự án này không tiếp tục. Kim Tuyến trở về TP HCM tập cùng chuyên gia Trung Quốc.

Trở về từ Mỹ, cô đã tính đến chuyện xin nghỉ để toàn tâm lo cho việc họ. Nhưng lãnh đạo Trung tâm động viên cô tiếp tục thi đấu ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Lúc đó, Ánh Viên đang ở đỉnh cao phong độ nhưng Kim Tuyến vẫn xuất sắc giúp TP HCM giành 2 HCV đồng đội. Càng tập luyện, cô không thấy mình cải thiện thành tích. Giáo án chuyên gia Trung Quốc đưa ra không phù hợp. Cô đã nhiều lần đề cập lên lãnh đạo nhưng đều bị gạt đi.

Kim Tuyến 3 lần tham dự SEA Games nhưng cô chỉ đoạt 1 HCĐ nội dung 100 m bơi bướm ở kỳ đại hội năm 2011.
Kim Tuyến 3 lần tham dự SEA Games nhưng cô chỉ đoạt 1 HCĐ nội dung 100 m bơi bướm ở kỳ đại hội năm 2011. Ảnh: Facebook nhân vật.

“Tôi là người hay ép mình khi làm một việc gì đó phải có hiệu quả mới làm. Nếu bỏ công ra mà không được gì, thậm chí thành tích đi xuống, tôi thấy dằn vặt lắm. Thực tế nếu tiếp tục bơi, tôi vẫn duy trì thành tích để có huy chương ở các giải quốc gia. Nhưng như thế không giải quyết được gì. Tôi muốn dành thời gian để học hành, làm những việc khác trước đây không có thời gian để thực hiện”, nữ VĐV sinh năm 1994 chia sẻ.

Quyết định của Kim Tuyến dũng cảm bởi lẽ khi chia tay bơi, cô đang là thành viên của tuyến dự tuyển, nhận mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng. Mất đi một nguồn thu nhập chính, cô nhận ra sự bạc bẽo ngay trong cách đối xử từ những người từng xem cô là “con cưng” để kiếm thành tích. Sau khi nghỉ, cô ngỏ ý muốn trở lại trung tâm để làm trợ lý kiếm thêm thu nhập phụ giúp cho việc học nhưng bị gạt đi với lý do không bằng cấp.

Hiện tại, Kim Tuyến theo học năm thứ 2 tại Đại học Sư phạm TDTT TP HCM. Buổi chiều cô dạy bơi tại quận 4 với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chia tay đường bơi sau 16 năm gắn bó không hề dễ dàng, nhưng Tuyến không lấy đó làm buồn: “Tôi thỏa mái với lựa chọn của mình, bởi thật sự nếu tiếp tục bơi tôi không còn thời gian để làm gì và không biết làm gì để lo cho tương lai sau này”.

Ở tuổi 21, Kim Tuyến bước sang ngả rẽ khác, chấm dứt cuộc sống của một VĐV bơi đỉnh cao được tung hô nhưng cũng bị quên lãng rất nhanh…



Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm