Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Định hướng mới của kinh tế Trung Quốc sau Đại hội XX

Trung Quốc sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng phát triển kinh tế sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XX, theo ông Nguyễn Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung.

dai hoi xx trung quoc anh 1

"Sau Đại hội XX, Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng thay vì chạy theo số lượng".

Đó là nhận định của ông Nguyễn Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương, trong buổi tọa đàm “Điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc sau đại hội Đảng lần thứ XX và hàm ý chính sách cho Việt Nam” ngày 5/11.

Buổi tọa đàm do Zing phối hợp với Hội Sinh viên Nghiên cứu khoa học, Học viện Ngoại giao (Galileo Society) tổ chức.

Trong buổi tọa đàm, ông Quang cũng đã phân tích nhiều khía cạnh trong chính sách của Trung Quốc sau Đại hội XX, cũng như bình luận về ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Định hướng mới của Trung Quốc

Mong muốn phát triển nền kinh tế chất lượng cao cũng là một trong những nội dung được Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhắc đến khi trả lời câu hỏi của Zing hôm 2/11 vừa qua.

“Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng mở cửa một cách sâu hơn và thể chế hóa hơn, trong các lĩnh vực như quy tắc, quy định, quản lý hay tiêu chuẩn; tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh bậc nhất thế giới mang tính thị trường, pháp trị và quốc tế”, vị đại sứ nói.

dai hoi xx trung quoc anh 2

Ông Nguyễn Vinh Quang (trái) phát biểu tại tọa đàm ngày 5/11. Ảnh: Galileo Society.

Cũng trong buổi phỏng vấn, Đại sứ Hùng Ba khẳng định Trung Quốc sẽ giữ vững chính sách cải cách mở cửa trong thời gian tới.

“Cải cách mở cửa là chính sách căn bản của Trung Quốc, là kinh nghiệm quan trọng nhất của sự phát triển thành công của Trung Quốc trong 44 năm qua. (Chính sách này) không thể dao động”, ông nói. “Cánh cửa mở của Trung Quốc không thể bị đóng lại, chỉ có thể càng ngày càng mở lớn”.

Đồng quan điểm, trong buổi tọa đàm ngày 5/11, ông Quang cho rằng dù yếu tố kinh tế trong báo cáo chính trị Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mờ nhạt hơn các kỳ đại hội trước - trong khi vấn đề an ninh được tô đậm - không thể cho rằng Trung Quốc đã "chuyển chiến lược" từ kinh tế sang an ninh.

Sau Đại hội XX, Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng thay vì chạy theo số lượng

Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương

“Trung Quốc không chuyển chiến lược từ phát triển kinh tế sang an ninh, mà Trung Quốc lần này nhấn mạnh đến yếu tố an ninh hơn yếu tố phát triển kinh tế”, ông Quang nhận định.

Nói về chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời gian tới, ông Quang cho rằng nước này vừa tự định vị mình là một nước lớn trong quan hệ quốc tế, nhưng cũng cho rằng họ vẫn là nước đang phát triển.

“Trung Quốc vẫn nhận mình là nước lớn”, ông nói. “Nếu họ không nhận là nước lớn, họ sẽ không có vai trò gì trong trật tự thế giới. Nhưng trong các nước lớn, người ta vẫn nghĩ rằng chỉ có Trung Quốc quan tâm tới các nước nhỏ nhiều nhất. Cho nên Trung Quốc vẫn nhận mình là nước đang phát triển”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục đề cập ba sáng kiến - Vành đai và Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) - trong bản báo cáo chính trị tại đại hội này.

Sáng kiến Vành đai và Con đường đã được ông Tập giới thiệu từ năm 2013 và được Trung Quốc triển khai rộng rãi trong nhiều năm qua. Trong khi đó, GDI và GSI là hai sáng kiến mà Bắc Kinh mới đề xuất.

dai hoi xx trung quoc anh 3

Ông Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022. Trong bài phát biểu này, ông Tập đã giới thiệu Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI). Ảnh: Tân Hoa xã.

Theo ông Quang, tuy Vành đai và Con đường đã thu được những thành quả nhất định, sáng kiến này cũng gặp phải những khó khăn. Do đó, hai sáng kiến sau sẽ được Trung Quốc nhấn mạnh nhiều hơn.

Cách thức triển khai các sáng kiến này và Vành đai và Con đường cũng có sự khác biệt. Trong khi Trung Quốc đã đổ nhiều tiền cho Vành đai và Con đường, bỏ tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, GDI mang tính “đầu tư chủ trương”, kêu gọi Liên Hợp Quốc ủng hộ các nước đang phát triển, vị chuyên gia nói.

Trong bản báo cáo lần này, Trung Quốc cũng đề cập nhiều đến khát vọng “phục hưng” dân tộc Trung Hoa. Theo ông Quang, khái niệm “phục hưng” này thể hiện Bắc Kinh muốn trở thành một nước mạnh, có uy tín trong cộng đồng quốc tế.

Ông Quang nhận định sức mạnh tổng hợp về vật chất - như kinh tế, quân sự - và tinh thần dân tộc sẽ là những thuận lợi với Trung Quốc trong thời gian tới.

Chuyến thăm đầy ý nghĩa

Theo ông Quang, trong bối cảnh Bắc Kinh vừa tổ chức xong Đại hội Đảng lần thứ XX, chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 1/11 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là điều rất cần thiết với cả Việt Nam lẫn Trung Quốc.

Trong chuyến thăm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, cũng như chứng kiến 13 văn kiện được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương hai nước ký kết nhân chuyến thăm.

Trung Quốc không chuyển chiến lược từ phát triển kinh tế sang an ninh, mà Trung Quốc lần này nhấn mạnh đến yếu tố an ninh hơn yếu tố phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương

“Việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - một người có uy tín trong nước, trong Đảng, trong khu vực, một người cộng sản có uy tín với những người cộng sản khác - đến thăm sau đại hội là một lời chúc mừng thiết thực và có giá trị với họ”, ông Quang nói về ý nghĩa của chuyến thăm.

Vị chuyên gia chỉ ra Trung Quốc đã hoan nghênh và đón tiếp đoàn đại biểu Việt Nam rất nhiệt tình. Ông Quang còn cho rằng độ dài của tuyên bố chung được hai bên đưa ra sau chuyến thăm (hơn 6.000 chữ) là điều hiếm có. Để so sánh, tuyên bố chung giữa hai bên năm 2017 dài hơn 4.000 chữ.

“Tuyên bố chung giữa hai tổng bí thư thông thường (có độ dài) vừa phải vì chỉ nói ý hướng chứ không nói chuyện cụ thể. Tuy nhiên, trong mấy năm vừa rồi (hai tổng bí thư) không gặp được nhau”, ông nói.

dai hoi xx trung quoc anh 4

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì buổi lễ trao Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khuôn khổ chuyến thăm. Ảnh: TTXVN.

“Nhân chuyến thăm này, Trung Quốc cũng có nhu cầu, Việt Nam cũng có nhu cầu. Tuyên bố đã đưa các vấn đề đấy ra”, ông khẳng định, chỉ ra bản tuyên bố đã đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể như giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu hay việc thành lập thêm các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Theo ông Quang, đây là những kết quả tốt và sẽ có những tác động tích cực tới quan hệ song phương.

“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng sau chuyến thăm này, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có những chuyển biến tốt”, ông nói.

Zing giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Một vành đai, một con đường: Hành trình dài của Trung Quốc đến năm 2049”, do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản lần đầu năm 2018, cập nhật năm 2021.

Cuốn sách sẽ cung cấp thêm cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý các cấp và bạn đọc một tài liệu cập nhật, có cái nhìn tổng quát về sự phát triển và những tác động của Sáng kiến Vành đai và Con đường trên các mặt kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, xã hội, khoa học công nghệ... đã diễn ra trong thực tế trên phạm vi toàn cầu từ năm 2013 đến nay.

Chuyên gia: Dư địa quan hệ Việt - Trung còn rộng mở

PGS Nguyễn Huy Quý chỉ ra chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Ưu tiên chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới

Bản báo cáo công tác được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại lễ khai mạc Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 16/10 hé lộ thêm về một số ưu tiên của Bắc Kinh trong nhiệm kỳ tới.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm