Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc báo cáo trước đại hội hôm 16/10. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo của ông Tập đã tổng kết toàn diện các thành tựu và kinh nghiệm của Trung Quốc trong cải cách và phát triển, cũng như đề ra định hướng chiến lược tổng thể cho nền kinh tế số hai thế giới, Tân Hoa xã nhận định.
Năm nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu trong 1 giờ 45 phút - ngắn hơn nhiều so với bài phát biểu dài 3 giờ 25 phút năm 2017.
Tuy vậy, đây vẫn chưa phải toàn bộ báo cáo công tác của Ủy ban Trung ương khóa XIX. Theo South China Morning Post, sau phiên khai mạc, các phóng viên tham dự được phát bản toàn văn dài 72 trang. Văn bản này vẫn chưa được truyền thông Trung Quốc công bố chính thức.
Tiếp nối và thay đổi
Dù đa số nội dung trong bài phát biểu được coi là chỉ dấu của sự tiếp diễn các chính sách hiện hành, chuyên gia khoa học chính trị Ian Chong tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) chỉ ra ông Tập đã nhắc nhiều hơn đến kỷ luật và ý thức hệ.
“Để đối phó với các thách thức - bao gồm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và cạnh tranh với Mỹ - một trong những cách thức được ông Tập Cận Bình áp dụng là nhấn mạnh kỷ luật đảng và ý thức hệ”, Ian Chong ông nói với DW.
Trong bài phát biểu, ông Tập tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy “thịnh vượng chung”, cải thiện phân phối thu nhập và đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống nhà ở cho người dân.
Ông Dexter Roberts, chuyên gia cấp cao tại Atlantic Council, ông Tập không nêu cụ thể nội hàm của “thịnh vượng chung”. Theo vị chuyên gia, đây là dụng ý của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Người dân Trung Quốc theo dõi trực tiếp phiên khai mạc Đại hội XX trong một nhà hàng tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
“Tuyên bố này được soạn ra với mục tiêu không bao hàm quá nhiều thông tin. Họ không nói nhiều về việc họ sẽ làm thế nào trên thực tế”, ông Roberts nhận định.
“Tôi cho rằng trong suy nghĩ của ông Tập, ‘thịnh vượng chung’ mang cả yếu tố nhằm vào những người giàu có. Một số biện pháp nhằm vào giới doanh nghiệp và các công ty công nghệ lớn đến từ lo ngại về an ninh dữ liệu và an ninh kinh tế”, ông bổ sung.
Trong khi đó, bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn ING tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong và Macau, cho rằng khát vọng phát triển giáo dục cũng là một phần của chiến lược “thịnh vượng chung” mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Ông Tập hôm 16/10 một mặt kêu gọi xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc giáo dục”, mặt khác mong muốn thúc đẩy sự công bằng trong lĩnh vực này.
“Tôi tin rằng họ mong muốn có nền giáo dục tầm cỡ thế giới, giúp thế hệ trẻ có cơ hội để chinh phục các nấc thang thu nhập”, bà Pang nói.
Thông điệp về an ninh
Bài phát biểu của ông Tập hoàn toàn không đề cập trực tiếp đến nước Mỹ. Dù vậy, hình bóng của Washington vẫn luôn tồn tại, từ quyết tâm phản đối “chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền”, tới “chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, bắt nạt về kinh tế”.
Trong bối cảnh Washington vừa áp đặt thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm kiềm chế sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc, thông điệp về sự tự chủ khoa học - công nghệ của ông Tập được giới quan sát chú ý.
Bên cạnh yêu cầu tăng cường khả năng tự chủ, ông Tập cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp tục hiện đại hóa quân đội, từ lý luận, tổ chức, nhân lực tới vũ khí, trang bị.
Lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến, con tàu mới nhất được Trung Quốc tự chế tạo, hôm 17/6. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Theo ông David Bandurski, đồng Giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc (CMP), “an ninh quốc gia” là một trong những điểm nhấn rõ rệt nhất trong bài phát biểu của ông Tập hôm 16/10.
Theo thống kê của CMP được đăng tải trên tài khoản Twitter của tổ chức này, ông Tập sử dụng cụm từ “an ninh quốc gia” 27 lần trong bài phát biểu năm nay, nhiều hơn 10 lần so với 5 năm trước. Đáng chú ý, tổng độ dài của bài phát biểu lần này ngắn hơn nhiều so với năm 2017.
“Đây là sự tiếp nối của những gì chúng ta quan sát được dưới thời ông Tập”, ông Bandurski nói, chỉ ra những nguy cơ mà Trung Quốc lo ngại bao gồm cả nhân tố bên ngoài (như Mỹ) lẫn nhân tố bên trong (như an ninh phát triển hay việc làm).
Bất chấp căng thẳng trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, các đoạn về Đài Loan trong báo cáo lần này vẫn sử dụng những ngôn ngữ quen thuộc, theo chuyên gia Shirley Martey Hargis tại trung tâm nghiên cứu Atlantic Council.
“Không có nguy cơ cấp bách rằng Trung Quốc sẽ giành lại Đài Loan bằng vũ lực”, bà nói.
Ông Wen-Ti Sung, giảng viên Đài Loan học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), có quan điểm tương đồng.
“Trong khi một số nhà quan sát Đài Loan lo ngại ông Tập có thể đề ra một số chiến lược cụ thể mới để giải quyết vấn đề Đài Loan, bài phát biểu của ông Tập cho thấy mong muốn kế thừa chính sách hơn là thay đổi”, ông Sung nhận định.
“Ông ấy nói đến quyết tâm kiên định và năng lực mạnh mẽ để chống lại việc Đài Loan độc lập, nhưng ông ấy không nói đến ý đồ, kế hoạch hay các mốc thời gian”, ông Sung nói với DW.