Ngày 10/11, một cuộc đình công của các nhân viên tham gia Công đoàn tại nhà xuất bản HarperCollins đã diễn ra. Hơn 100 người đã diễu hành và hô vang trước trụ sở của HarperCollins, một số mang các biển hiệu ghi rõ “Niềm đam mê không trả tiền thuê nhà”, “Lương đang bị đánh cắp” hay “Đòi trả lương công bằng”.
Hiện tại, Công đoàn HarperCollins có khoảng 250 thành viên, phụ trách nhiều mảng biên tập, quảng bá, bán hàng, tiếp thị, pháp lý và thiết kế. Số lượng này cũng chỉ chiếm một phần nhỏ lực lượng lao động của HarperCollins, với con số khoảng 4 nghìn người trên toàn cầu.
Trong một tuyên bố, Công đoàn này cho biết nhiều thành viên của họ và nhân viên của HarperCollins đã làm việc mà không được ký hợp đồng kể từ tháng 4 năm nay; lúc này người lao động muốn nhận được lương cao hơn và quyền lợi tốt hơn.
Thực tế trong ngành xuất bản
Bà Olga Brudastova, một đại diện trong Công đoàn HarperCollins, nói rằng Công đoàn đã quyết định đình công sau khi các cuộc đàm phán với công ty bị đình trệ. Công đoàn đang đề xuất HarperCollins cần tăng mức lương khởi điểm tối thiểu từ 45.000 USD lên 50.000 USD và tăng cường sự đa dạng trong lực lượng lao động.
Xuất bản từ lâu đã là một ngành công nghiệp trả lương thấp đối với nhân viên mới vào nghề và nhân viên cấp trung, thời gian tăng lương cũng rất lâu. Trong khi đó, trụ sở của HarperCollins lại đặt tại New York, một thành phố rất đắt đỏ.
Thêm vào đó, xuất bản cũng là một ngành công nghiệp với số lượng người da trắng áp đảo. Thậm chí nhiều người trong ngành cảm thấy mức lương thấp là một phần nguyên nhân khiến việc đa dạng hóa ngành trở nên khó khăn.
Một báo cáo gần đây từ một tổ chức tự do ngôn luận PEN America, cho biết vào năm 2021, 74% nhân viên tại Penguin Random House là người da trắng. Con số này tại Macmillan là hơn 70% nhân viên và tại Hachette là khoảng 65%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn khi chỉ xét đến các nhà quản lý cấp cao.
Tạo tiếng vang và hướng tới sự thay đổi
Một số nhân viên tham gia cuộc đình công tại HarperCollins nói rằng họ hy vọng hành động tập thể lần này cũng sẽ tạo ra những thay đổi trong toàn ngành.
Bà Laura Harshberger, biên tập viên cấp cao phụ trách mảng sách cho trẻ em của HarperCollins kiêm chủ tịch Công đoàn, người đã có mặt tại cuộc biểu tình cho biết: “Vấn đề không chỉ là tiền lương của chúng tôi mà thực sự là về những thay đổi mới trong ngành xuất bản. Cuộc chiến này là để đưa ngành xuất bản trở thành một nơi đa dạng hơn và bình đẳng hơn, phản ánh các giá trị của chúng tôi và những cuốn sách mà chúng tôi tạo ra”.
Một phát ngôn viên của HarperCollins nói rằng công ty đã đồng ý với một số đề xuất của Công đoàn và sẽ “tiếp tục thương lượng một cách thiện chí”. Trong một bản ghi nhớ về vấn đề đình công được gửi cho nhân viên, HarperCollins nói rằng họ đã tăng mức lương đầu vào và vạch ra lộ trình tăng lương dựa trên thành tích.
Sau khi công bố những khoản lợi nhuận kếch xù, thậm chí phá kỷ lục trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhiều nhà xuất bản lớn đã thấy kết quả của họ bắt đầu trượt dốc. Tuần này, HarperCollins mới thông báo rằng trong quý gần đây nhất, doanh thu của họ đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng trước, nhà xuất bản này cũng đã thông báo sẽ sa thải "một số lượng nhỏ" nhân viên để cắt giảm chi phí. Trước tình hình này, bà Brudastova cho biết, Công đoàn đã đệ đơn cáo buộc đối xử với lao động không công bằng lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ, đồng thời lưu ý rằng sáu trong số các nhân viên bị mất việc là thành viên Công đoàn.
Một số tác giả, nhà bán sách và người đại diện đã lên mạng xã hội để tuyên bố ủng hộ cuộc đình công. Michelle Hauck, một người đại diện cho các nhà văn, chia sẻ trên Twitter rằng bà sẽ không gửi bất kỳ bản thảo mới nào cho HarperCollins cho đến khi cuộc đình công được giải quyết.
Một số nhà văn có tác phẩm được HarperCollins xuất bản, như Micah Nemerever, tác giả của cuốn tiểu thuyết These Violent Delights và Charish Reid, tác giả của Mickey Chambers Shakes It Up, cũng đã lên tiếng ủng hộ cuộc đình công trên Twitter.
Nhà văn Sarah Ruiz-Grossman cũng đã gửi văn bản tới thẳng HarperCollins để ủng hộ cuộc đình công, trong đó có đoạn viết: “Những cuốn sách tôi thích đọc và viết sẽ không tồn tại trên thế giới nếu không có vai trò thiết yếu của những người làm công tác xuất bản”.
Tín hiệu tích cực giúp người khuyết tật tiếp cận ngành xuất bản
Nhiều chính sách đã được thực hiện để cải thiện khả năng tiếp cận ngành xuất bản cho những người khuyết tật.
Tương lai xuất bản Mỹ vẫn ảm đạm sau chiến thắng của Bộ Tư pháp
Ngăn chặn thành công vụ sáp nhập 2,175 tỷ USD không khiến người làm xuất bản Mỹ yên tâm, nhất là trong thời điểm hậu đại dịch, suy thoái kinh tế khiến doanh số bán sách sụt giảm.
Thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này nhiều đặc ân. Nước lên, tôm cá bơi tung tăng trong ruộng, lòng người hoan hỉ nhận lấy những báu vật của trời đất.