Theo nhận định của The Bookseller, không thể phủ nhận rằng còn nhiều điều cần làm để hỗ trợ người khuyết tật trong ngành xuất bản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc cải thiện khả năng tiếp cận và tính hòa nhập của người khuyết tật đã trở thành ưu tiên của nhiều nhà xuất bản.
Tăng cường hỗ trợ nhân viên khuyết tật
Sau đại dịch Covid-19, các chính sách làm việc linh hoạt đã được cập nhật và cải thiện và điều này mang lại lợi ích cho tất cả nhân viên, bao gồm cả nhân viên khuyết tật.
Một nhân viên tại nhà xuất bản Faber, Anh cho biết nơi làm việc rất tuyệt vời, “chủ yếu là do cơ chế làm việc linh hoạt được áp dụng cho tất cả”.
Tương tự, một nữ nhân viên tại nhà xuất bản Penguin Random House (PRH) cho biết cô đặc biệt ấn tượng với các chính sách làm việc linh hoạt tại công ty, nơi đang thử nghiệm mô hình hybrid (kết hợp làm việc trực tiếp và trực tuyến).
Các nhóm có thể quyết định mô hình làm việc của riêng họ và trong nhóm của cô, cô có thể làm việc hoàn toàn tại nhà hoặc hủy bỏ lịch làm việc tại văn phòng vào phút cuối nếu cần. Điều này "thực sự hữu ích vào những ngày/tuần tồi tệ và giúp tôi vẫn có thể làm việc dù tình trạng khuyết tật của tôi khiến tôi mệt mỏi vào một số thời điểm nhất định”, nữ nhân viên này chia sẻ.
Cô cũng đề cập đến Kế hoạch điều chỉnh công việc phù hợp tại Penguin Random House - quy trình giúp nhân viên chia sẻ được với người quản lý về các điều chỉnh trong công việc. Theo đó, “bộ phận nhân sự sẽ lưu hồ sơ của bạn và theo dõi quá trình làm việc của bạn. Khi bạn chuyển vị trí hoặc phòng ban, hoặc có một người quản lý mới, quá trình làm việc của bạn có thể được chia sẻ (với sự đồng ý của bạn) với người quản lý mới”, cô cho biết.
Theo Zaahida Nabagereka, người đứng đầu bộ phận tác động xã hội tại PRH, nhân viên tại nhà xuất bản này đang được Diễn đàn Người khuyết tật tại các doanh nghiệp đào tạo về việc triển khai Kế hoạch trên, đặc biệt là phần hỗ trợ thêm cho người khuyết tật. Hiện tại, các nhân viên nhân sự và tất cả quản lý đều tham gia khóa đào tạo đặc biệt này và sẽ sớm có kế hoạch triển khai chương trình này cho các nhân viên cấp cơ sở và nhóm công nghệ.
Một số nhà xuất bản lớn, trong đó có Penguin Random House và HarperCollins, cũng đã tham gia Mạng lưới nhà tuyển dụng người khuyết tật đáng tin cậy theo chương trình của chính phủ Anh. Nhà xuất bản Hachette cũng đặt mục tiêu trở thành một đơn vị tương tự trong 12 đến 18 tháng tới.
Các nhà xuất bản cũng đang bắt đầu theo dõi dữ liệu để đánh giá sự tiến bộ của họ trong việc hỗ trợ người khuyết tật. Ví dụ, PRH đã thực hiện các cuộc đánh giá nhân viên của mình để tổng hợp dữ liệu về nhân khẩu học và sự gắn bó của nhân viên với nhà xuất bản. Hachette cũng đã thực hiện một cuộc điều tra tương tự.
Hồi tháng 7 năm nay - tháng để tôn vinh người khuyết tật tại Anh, Mạng lưới người khuyết tật của Hachette đã bố trí một góc tại văn phòng chính để chia sẻ tác phẩm của các tác giả khuyết tật Hachette từng xuất bản. Ảnh: Hachette Twitter. |
Hình thành mạng lưới nhân viên khuyết tật
Cũng theo The Bookseller, mạng lưới nhân viên khuyết tật đã được hình thành tại nhiều nhà xuất bản Anh trong vài năm qua, bao gồm tại Bloomsbury, Hachette, Penguin Random House và Bonnier. Các mạng lưới này thường tập trung vào việc hỗ trợ và kết nối những người khuyết tật trong ngành xuất bản đồng thời thường tạo thêm cơ hội để đề xuất các sáng kiến mới.
Theo Kim Kidd, Giám đốc phát triển sự đa dạng và hòa nhập tại Hachette, Ủy ban mạng lưới người khuyết tật (tại Hachette) đặt mục tiêu chính là tác động đến chính sách của công ty về người khuyết tật. Đồng thời, họ cũng thực hiện các công việc từ thiện hỗ trợ người khuyết tật, bao gồm hợp tác với các tổ chức như Mencap và Carers UK.
Lily Bowden, nhân viên của Nhà xuất bản Jessica Kingsley, một nhánh của Hachette, đã giải thích thêm về sự hỗ trợ của họ cho người khuyết tật. Nhà xuất bản này đã “hợp tác với Hiệp hội chứng khó đọc của Anh để soạn thảo ra một bộ hướng dẫn viết các văn bản và xây dựng môi trường thân thiện với người mắc chứng khó đọc. Sau đó bộ hướng dẫn này được triển khai rộng rãi tại Hachette”.
“Chúng tôi cũng đang tìm cách soạn thảo hướng dẫn viết các văn bản thân thiện với người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) trong năm nay”, Lily chia sẻ.
Thúc đẩy hỗ trợ các tác giả
Mặc dù các nhân viên khuyết tật đã phần nào nhận được nhiều sự hỗ trợ, vẫn cần làm nhiều điều để cải thiện quyền lợi cho các tác giả khuyết tật.
Theo Kidd, Hachette gần đây đã đưa ra “hướng dẫn về việc ký hợp đồng với các tác giả, trong đó thừa nhận rằng các tác giả khuyết tật có thể cần có những giai đoạn nghỉ ngơi. Đồng thời, trong khi có một khuôn khổ chung, việc ký kết vẫn có thể linh hoạt tùy từng trường hợp”, vị đại diện này chia sẻ.
Penguin Random House cũng đang tích cực tìm cách gia tăng sự hỗ trợ cho các tác giả khuyết tật, bao gồm nâng cao nhận thức cho các biên tập viên của họ về vấn đề này. Họ cũng triển khai chương trình WriteNow nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng và phát triển các nhà văn mới từ các cộng đồng bị đánh giá thấp trong ngành xuất bản. Theo Meredith Adams, người phụ trách về tác động xã hội và sự phát triển bền vững của Penguin Random House, “48% những người được phát triển qua chương trình WriteNow là người khuyết tật”.
Tác giả Penny Batchelor và cuốn My Perfect Sister và Her New Best Friend. Ảnh: lboro. |
Nhiều nhà xuất bản nhỏ cũng đang tăng cường hỗ trợ các tác giả khuyết tật. Penny Batchelor, tác giả của cuốn My Perfect Sister và Her New Best Friend rất ấn tượng với sự hỗ trợ tại nhà xuất bản RedDoor Press trong việc đáp ứng các yêu cầu của bà. Bà nói: "Sẽ thật tuyệt nếu các nhà xuất bản chủ động hỏi mọi người xem họ có nhu cầu nào không ... Theo cách đó, người khuyết tật không phải đưa yêu cầu ra trước!"
Như vậy, có thể thấy nhiều bước tiến lớn đang được thực hiện để cải thiện điều kiện cho người khuyết tật trong ngành xuất bản. Dù đây mới chỉ là những bước đầu của một chặng đường dài, các chính sách mới này đang mở ra hy vọng về một tương lai dễ tiếp cận hơn và toàn diện hơn cho người khuyết tật trong ngành này.