Nicoletta F. Gullace - phó giáo sư lịch sử tại Đại học New Hampshire, Mỹ - nhận định dù Vua Charles từng đối mặt áp lực do không giữ thái độ trung lập giống mẹ, ông dường như đã nhận thức được với tư cách là quân vương sẽ khó đề cập tới các quan điểm chính trị mạnh mẽ.
Theo bà, nhà vua cho rằng các vấn đề môi trường tác động đến toàn nhân loại và do đó, chúng là vấn đề của công lý, thay vì chính trị.
“Nếu công chúng đồng tình với ông, điều này có thể trở thành thế mạnh. Nhưng nếu vấn đề biến đổi khí hậu bị chính trị hóa, điều đó có thể gây ra vấn đề”, bà nói với Zing.
Đây cũng là quan điểm mà giáo sư Lawrence Goldman - nhà sử học tại trường St. Peter's College, Đại học Oxford - đồng tình. Ông chỉ ra Vua Charles III khi còn là thái tử hay đưa ra quan điểm riêng rất rõ ràng về kiến trúc, bảo tồn, môi trường và biến đổi khí hậu qua các bài phát biểu trong nhiều năm.
“Song vị tân vương thấu hiểu và khẳng định với vai trò mới, ông ấy sẽ cẩn thận hơn và không đưa ra quan điểm, ý kiến cá nhân trước công chúng", vị giáo sư nói.
Nhiều người đã đặt câu hỏi về nỗ lực vận động vì môi trường của Vua Charles III sau khi ông lên ngôi, vì trước đó, ông từng được coi là nhà vận động tích cực với vấn đề này. Tuy nhiên, quân vương Anh được yêu cầu phải trung lập về mặt chính trị.
Những ràng buộc và sự bận rộn
Trong bài phát biểu hôm 9/9, vị tân vương báo hiệu trách nhiệm mới của ông là tránh can thiệp vào các cuộc tranh luận công khai.
“Cuộc sống của tôi tất nhiên sẽ thay đổi khi nhận trách nhiệm mới”, Vua Charles III nói.
Trao đổi với Zing, Robert Blackburn - giáo sư về luật Hiến pháp tại Đại học King's College London - nhận định khi đã lên làm vua, ông Charles sẽ cần cẩn trọng hơn khi thúc đẩy hoặc đưa ra ý kiến công khai về vấn đề môi trường.
“Hơn hết, với tư cách là một vị vua của thể chế quân chủ, ông bị ràng buộc bởi học thuyết về 'trách nhiệm bộ trưởng'”, ông nói. Vị giáo sư lý giải điều này có nghĩa là mọi thứ ông làm hoặc nói trước công chúng cần phải tuân theo lời khuyên của bộ trưởng.
Ông Charles là người tích cực vận động vì môi trường. Ảnh: AP. |
Về mặt hiến pháp, vua chỉ có thể bày tỏ ý kiến cá nhân về các vấn đề thuộc chính sách công, trong giới hạn do thủ tướng đồng ý. Nếu chính phủ đồng ý, ông Charles có thể thực hiện vai trò thúc đẩy cho những người khác tranh luận và vận động các biện pháp khắc phục, thay vì tự mình làm vậy.
“Chính phủ có thể yêu cầu ông hỗ trợ cho một số vấn đề cụ thể. Trước khi làm vậy, họ cần xem xét liệu điều này có lôi kéo vị vua vào cuộc tranh cãi, làm tổn hại tới uy tín của ông và chế độ quân chủ trong mắt nhóm phản đối hay không”, giáo sư từ Đại học King's College London nhận định.
Không chỉ vậy, việc Vua Charles III phải giảm bớt thời lượng tham gia vô số hoạt động từ thiện trước đó là điều dễ hiểu khi giờ đây, “ông ấy sẽ phải gánh vác khối lượng công việc khổng lồ của một vị vua”, ông Blackburn nhận định.
Công việc của ông có thể bao gồm việc đọc một số lượng lớn các tờ báo chính phủ mỗi ngày, thường xuyên họp với thư ký riêng và nhân viên cung điện để sắp xếp công việc, thực hiện chuyến thăm và gặp gỡ trên khắp cả nước, tổ chức họp với Hội đồng Cơ mật,...
“Khi là thái tử, ông Charles có rất nhiều thời gian cho những công việc vì lợi ích cá nhân. Giờ đây, ông không còn có thể làm vậy được nữa”, vị chuyên gia cho biết.
Thách thức
Đặc biệt, Vua Charles III được cho còn rất nhiều việc phải làm khi nhiều dự đoán cho thấy quá trình chuyển đổi sang thể chế cộng hòa của một số quốc gia Thịnh vượng chung có thể thay đổi. “Ngay cả trước khi nữ hoàng qua đời, một số quốc gia vùng Caribe đã chuyển sang thể chế cộng hòa và không còn chấp nhận quốc vương là nguyên thủ quốc gia”, bà Gullace nói.
Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng ông Charles sẽ cần tham khảo ý kiến một cách chặt chẽ cùng Hoàng tử William và tận dụng tối đa các cuộc tham vấn hàng tuần với thủ tướng để "tư vấn" cho chính phủ một cách riêng tư.
Theo nhận định của bà, những quan điểm mạnh mẽ của Vua Charles III về các vấn đề môi trường sẽ giúp ông giành được sự ủng hộ của những người Anh trẻ tuổi.
“Nếu ông Charles có quan điểm mạnh mẽ về môi trường, đặc biệt là liên quan đến các mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 của Anh, ông sẽ có thể giành được sự tôn trọng của giới trẻ trong nước và quốc tế”, bà cho hay.
Các thành viên hoàng gia trong lễ rước linh cữu nữ hoàng từ Cung điện Buckingham đến Đại sảnh Westminster. Ảnh: Telegraph. |
Bà cũng tin rằng những quan điểm về bảo vệ môi trường của ông Charles sẽ giúp ích cho sự trị vì của ông.
Vấn đề môi trường không gây chia rẽ chính trị ở Anh như ở Mỹ, bà cho biết. “Chúng ta có thể kỳ vọng tất cả đảng phái chính trị lớn của Anh đều tán thành hành động vì khí hậu. Do đó, các quan điểm bảo vệ môi trường của ông ấy sẽ giúp thống nhất người Anh và thu hút sự chú ý đến vấn đề này, thay vì khắc sâu thêm chia rẽ đảng phái”, bà Gullace nói.
Ông Blackburn cũng cho rằng khi là vua, ông Charles cần phải cẩn trọng hơn nữa để tránh những tranh cãi. "Vai trò cơ bản của một vị vua hiện đại là đoàn kết đất nước, không phải kích động chia rẽ”, ông nói thêm.
Nhà sử học Goldman đưa ra nhận định tương tự. "Một thái tử có thể nói ra suy nghĩ của mình, nhưng một vị vua phải trị vì vì lợi ích của mọi người. Do đó, tôi tin rằng Vua Charles III sẽ cẩn thận hơn nhiều và noi gương nữ hoàng", ông Goldman nói.
Vị giáo sư từ Đại học Oxford nhấn mạnh trên tất cả, “Vua Charles III tin vào truyền thống. Tôi kỳ vọng ông ấy sẽ duy trì tất cả truyền thống của chế độ quân chủ".