Sách Điện ảnh của Vương Gia Vệ (tiếng Anh: WKW: The Cinema of Wong Kar Wai ) của John Powers - nhà phê bình điện ảnh của tạp chí Vogue (Trần Minh, Phạm An dịch) là cái nhìn toàn diện về nhà làm phim Vương Gia Vệ, trong đó hé lộ nhiều chi tiết ít biết về công việc và đời sống cá nhân của ông.
Sách Điện ảnh Vương Gia Vệ. Nguồn: Phục Hưng Books. |
Tiết lộ bí mật đời tư
Cuốn sách kể về toàn bộ công việc của nhà làm phim người Hong Kong, đưa chúng ta vào một cuộc dạo qua từng phim trong các tác phẩm của Vương Gia Vệ, với minh họa là hơn 250 bức ảnh độc quyền và những hình ảnh trong phim.
Vương Gia Vệ nổi danh nhờ những bộ phim lãng mạn, với những cảnh quay kinh ngạc đầy chất điện ảnh, đi sâu vào chủ đề tình yêu, khao khát và gánh nặng của ký ức. Phong cách của ông bộc lộ sự quyến rũ với lối kể chuyện, gắn kết cảm xúc với các địa điểm.
Trong cuốn sách này, John Powers đã khám phá con đường của Vương Gia Vệ qua những nơi chốn lưu dấu các cảnh phim nổi tiếng bậc nhất của ông.
Cuốn sách được chia làm sáu đối thoại giữa Powers và Vương Gia Vệ tại những địa điểm khác nhau, bao gồm khu nhà vị đạo diễn đã lớn lên và nhà hàng nơi ông quay Tâm trạng khi yêu.
Sáu đối thoại này đã được Powers đặt tên cụ thể trong sách là: Đối thoại một: Hoài niệm; Đối thoại hai: Không phải là Hitchcook; Đối thoại ba: Hong Kong dạ khúc; Đối thoại bốn: Ngoại tình; Đối thoại năm: Xa lộ Liên Mỹ; Đối thoại sáu: Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái.
Từ sáu đối thoại, Powers đưa ra 37 góc nhìn về Vương Gia Vệ. Và trong 37 góc nhìn này, ông nói về từng phim trong 11 tác phẩm của vị đạo diễn, từ Vượng giác ca môn, A Phi chính truyện, Xuân quang xạ tiết, Đông tà Tây độc, Tâm trạng khi yêu... cho đến 2046 và Nhất đại tông sư.
Bên cạnh đó, sách có các đối thoại đi sâu vào những chủ đề đã làm nên thương hiệu của Vương Gia Vệ như thời gian, hoài niệm, cái đẹp, cũng như những điều sâu kín trong cuộc sống riêng tư của ông.
Cũng trong cuốn sách, những bí mật đời sống cá nhân của Vương Gia Vệ lần đầu được tiết lộ. Theo Powers đây là lần hiếm hoi Vương Gia Vệ nói về gia đình mình. Mọi người quen thân và làm việc với vị đạo diễn cũng không biết được những điều đó cho đến khi ông kể trong cuốn sách.
Theo những gì được tiết lộ trong cuốn sách, cha Vương Gia Vệ từng làm việc trên tàu thủy, sau đó trở thành nhân viên của hộp đêm lớn nhất Hong Kong.
Đây là điều hầu như chưa được tiết lộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hộp đêm đó nằm trong khuôn viên của Chungking Mansions, thuộc bán đảo Cửu Long. Và cũng ít người hâm mộ biết rằng Chungking Mansions đã được Vương Gia Vệ chọn làm bối cảnh phim Trùng Khánh Sâm Lâm (1994).
Nhà làm phim Vương Gia Vệ. Ảnh: elleman. |
Biểu tượng cho sự "ngầu" trong giới điện ảnh
Theo John Powers, thế giới điện ảnh không thiếu nhân tài, nhưng những đạo diễn sở hữu sự nhạy cảm trời sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vương Gia Vệ nằm trong số đó, cùng Jean-Luc Godard, David Lynch, Abbas Kiarostami và Hầu Hiếu Hiền.
Người xem sẽ dễ dàng nhận ra phim Vương Gia Vệ bởi những nhân vật lang thang vất vưởng, vật lộn giữa tình yêu và sự cô độc, tinh thần lẫn cơ thể mệt nhoài rã rượi; những khung hình đa sắc giàu tính thẩm mỹ; những nỗi sầu bi lắng đọng và sự pha trộn giữa các thể loại phim, che mờ ranh giới mơ thực...
Richard Corliss, biên tập viên của tạp chí Time từng nhận xét Vương Gia Vệ là “nhà làm phim lãng mạn nhất thế giới”. Vương Gia Vệ không thể quay một khung hình xấu. Trong con người ông là niềm hứng thú với cả nhân vật nữ và nam. Sẽ không quá lời nếu gọi Vương Gia Vệ là đạo diễn am hiểu về sự quyến rũ.
Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vĩ trong cảnh phim Xuân quang xạ tiết. Ảnh: elleman. |
Cũng theo Jonh Powers, Vương Gia Vệ là một trong những đạo diễn nhận giải thưởng thường xuyên nhất. Qua năm tháng, số giải thưởng ông giành ngày một lớn, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes năm 1997.
Không dừng lại ở đó, Vương Gia Vệ còn gắn liền với những giai thoại. Giống Haruki Murakami (người Vương Gia Vệ ngưỡng mộ), vị đạo diễn đóng vai trò như một cầu nối văn hóa Đông - Tây. Bên cạnh đó, Vương còn được xem như một trong những biểu tượng cho sự "ngầu" trong giới điện ảnh, với cặp kính râm đã thành thương hiệu lẫn bản sắc.
Chính phương pháp làm phim không giống ai của Vương đã tạo ra vô số huyền thoại, tin đồn và chuyện phiếm. Chủ đề những chuyện này không đếm xuể: từ chuyện Vương Gia Vệ liên tục thay đổi phong cách từ phim này sang phim khác cho đến chuyện ông công bố dự án rồi cho nó rơi vào quên lãng ra sao.
Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ trong cảnh phim Tâm trạng khi yêu. Ảnh: elleman. |
Chuyện Vương mời ngôi sao lớn rồi cắt sạch những phân đoạn của họ ra khỏi bản dựng cuối; chuyện Vương cho quay hàng tháng, thậm chí hàng năm, chỉ để cố gắng “bắt” cho được mạch câu chuyện... được đề cập trong sách.
Sách cũng lý giải vì sao Vương Gia Vệ được mệnh danh là “ông hoàng trì hoãn”, khét tiếng nhất là vụ Cannes phải hoãn buổi công chiếu ra mắt phim 2046 chỉ vì cuộn phim… chưa đến, thậm chí có đến thì cũng chưa hoàn chỉnh… Những giai thoại như thế có nhiều dị bản, phần lớn được thêu dệt... Tất cả đã tạo ra một Vương Gia Vệ nổi danh và bí ẩn.