Theo dữ liệu của Coin Desk, sau khi chính thức lấy lại mốc 59.000 USD/đồng hôm 30/3, giá Bitcoin ba ngày qua giằng co liên tục quanh vùng 57.700-59.600 USD/đồng và hiện đứng ở mức 58.700 USD/đồng. Đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới vẫn chưa thể xuyên thủng ngưỡng 60.000 USD/đồng.
Giá Bitcoin thiết lập kỷ lục hơn 61.500 USD/đồng hôm 14/3 rồi lao dốc kể từ đó. Trong ngày giao dịch 25/3, giá giảm xuống ngưỡng 51.000 USD/đồng, mức thấp nhất trong vòng một tháng.
Trao đổi với Zing, các chuyên gia nhận định vẫn còn rất nhiều trợ lực giúp Bitcoin tăng giá. Tuy nhiên, một số sự cố liên quan đến vấn đề bảo mật khiến không ít nhà đầu tư dè chừng.
Sau ba ngày lấy lại mốc 59.000 USD/đồng, giá Bitcoin vẫn chưa thể cản phá ngưỡng 60.000 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk. |
Nhiều trợ lực
"Đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư lẻ", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) nhận định với Zing.
Hôm 31/3, Mary Rich - người sắp trở thành Giám đốc Tài sản số toàn cầu của Bộ phận Quản lý Tài sản cá nhân thuộc Goldman Sachs - cho biết ngân hàng này sẽ ra mắt kênh đầu tư tiền số cho khách hàng trong vòng ba tháng tới.
Theo bà, Goldman Sachs đang tìm cách mở rộng hoạt động đầu tư, từ "Bitcoin, các hợp đồng phái sinh đến những công cụ đầu tư truyền thống khác". Mảng quản lý tài sản cá nhân của hãng nhắm vào các khách hàng giàu có với khoản đầu tư từ 25 triệu USD trở lên.
Hôm 30/3, PayPal cũng thông báo sẽ bắt đầu cho phép khách hàng Mỹ sử dụng tiền mã hóa để thanh toán cho hàng triệu người bán trực tuyến trên toàn cầu. Theo đó, những khách hàng nắm giữ Bitcoin, Ether, Bitcoin Cash và Litecoin trong ví kỹ thuật số của PayPal có thể chuyển tài sản thành tiền pháp định để thanh toán khi mua hàng.
Đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư lẻ
Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ)
Trước đó, Visa cho biết sẽ khởi chạy thí điểm với nền tảng trao đổi tiền mã hóa và phát hành thẻ Crypto.com nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán bằng tiền mã hóa.
Các đối tác của Visa được cho là có thể trao đổi USD Coin qua mạng thanh toán của thẻ tín dụng, thay thế những giao dịch bằng tiền pháp định. USD Coin (USDC) là một stablecoin được neo trực tiếp với đồng USD.
"Phần lớn đà tăng giá của Bitcoin đến từ việc Visa và PayPal tuyên bố sẽ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin trên cơ sở giới hạn", chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở tại Singapore) nhận định với Zing.
Bitcoin ngày càng nhận được sự chấp nhận rộng rãi từ các tên tuổi lớn Phố Wall. Tesla hiện nhận thanh toán bằng Bitcoin và đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào tiền mã hóa.
Uber và Mastercard cũng lên kế hoạch chấp nhận Bitcoin, trong khi BNY Mellon và BlackRock cho biết đang tìm hiểu về đồng tiền này. Hồi tháng 2, Giám đốc điều hành Jack Dorsey của Twitter và nhạc sĩ Jay-Z đã cam kết khoản đầu tư 500 Bitcoin (tương đương 23,3 triệu USD) cho một quỹ đầu tư để phát triển Bitcoin.
Giá càng tăng, rủi ro bảo mật càng lớn
"Giá Bitcoin chuyển biến tích cực sau khi các nhà đầu tư biết thông tin Goldman Sachs sắp sửa cung cấp kênh đầu tư Bitcoin và những đồng tiền kỹ thuật số khác", ông Moya tại Oanda bình luận.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, một số nhà đầu tư vẫn lo ngại về các vấn đề bảo mật. Hôm 30/3, một nhà đầu tư tên Phillipe Christodoulou cho biết đã mất 17,1 Bitcoin (tương đương 600.000 USD) trong ví kỹ thuật số của mình.
Cụ thể, sau khi tải một ứng dụng được đánh giá gần 5 sao trên App Store, anh Christodoulou bị mất toàn bộ số Bitcoin mà anh nắm giữ trong vòng chưa đầy một giây. Ứng dụng giả mạo là nhà sản xuất thiết bị lưu trữ tiền mã hóa Treznor, dù trên thực tế không hề có mối liên kết nào với công ty này.
"Các nhà đầu tư Bitcoin đang chật vật tìm nơi an toàn nhất để lưu trữ tiền. Phần lớn nền tảng truyền thông xã hội cảnh báo không nên giữ tiền mã hóa trên các sàn giao dịch. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho những chiêu trò lừa đảo", ông Moya nói thêm.
Nhiều nhà đầu tư chật vật tìm nơi an toàn nhất để lưu trữ Bitcoin, nhất là khi giá tăng mạnh khiến vấn nạn tin tặc nghiêm trọng hơn. Ảnh: Getty Images. |
Coinfirm (có trụ sở tại Anh), công ty chuyên điều tra các cuộc lừa đảo tiền mã hóa, tiết lộ đã nhận được hơn 7.000 yêu cầu của những người bị đánh cắp tiền mã hóa kể từ tháng 10/2019. Các ứng dụng giả mạo chủ yếu ở Google Play Store dành cho hệ điều hành Android và App Store của Apple, theo ông Pawel Aleksander, Giám đốc thông tin của Coinfirm.
Coinfirm cho biết 5 người đã báo cáo bị đánh cắp tiền mã hóa bởi ứng dụng Trezor giả mạo trên iOS, với tổng thiệt hại trị giá 1,6 triệu USD.
Theo Bloomberg, khi giá Bitcoin tăng mạnh, mạng lưới cũng cần gia tăng độ phức tạp để bảo vệ chống lại tin tặc. Đáng nói, điều này sẽ khiến mục tiêu thụ năng lượng của hệ thống gia tăng.
Bitcoin từng bị một số cơ quan quản lý và các nhà đầu tư chỉ trích vì tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm tỷ phú sáng lập Microsoft Bill Gates. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cảnh báo tiền mã hóa là "mối lo ngại đặc biệt" và thường được sử dụng cho các hoạt động tài chính phi pháp như rửa tiền.