2022 không còn là "năm trăng mật" với các công ty công nghệ, khi chứng kiến sự sụt giảm mạnh về giá trị. Những tập đoàn phát triển bùng nổ trong năm 2021 đều gặp thách thức lớn trong 12 tháng qua.
Những "ông lớn" công nghệ tại Silicon Valley, gồm Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon và Meta, đã "bốc hơi" tổng cộng 3.000 tỷ USD giá trị thị trường. Trong đó, Meta đã mất 2/3 giá trị, khiến vốn hóa công ty chỉ còn hơn 300 tỷ USD, theo Economist.
Nguyên nhân do đâu?
Sự chuyển đổi từ hình thức quảng cáo truyền thống như trên TV, báo đài, sang quảng cáo trực tuyến đã đem lại nguồn doanh thu lớn cho các nền tảng quảng cáo công nghệ.
Chi tiêu cho quảng cáo nói chung giảm, nhưng quảng cáo kỹ thuật số vẫn tăng. Từ đó, các nền tảng quảng cáo trực tuyến sẽ dễ tổn thương và thua lỗ khi có những thay đổi từ doanh nghiệp hay chính phủ, Economist cho hay.
Ủy ban châu Âu dự kiến bỏ phiếu về quy định kiểm soát nội dung quảng cáo vào năm 2024 nhằm đảm bảo minh bạch chính trị và tránh thông tin sai lệch tại các kỳ bầu cử. Điều này khiến các công ty công nghệ như Google đã gửi thư bày tỏ lo ngại sẽ tác động đến quyền lợi của những người sử dụng nội dung trả phí, theo EURACITV.
Nguyên nhân khác đến từ sự cạnh tranh. Vị thế của Google với mảng công cụ tìm kiếm, hay Facebook về mạng xã hội, đều đang bị thách thức bởi nhiều đối thủ.
Sự trỗi dậy của TikTok, và dự kiến tiếp tục tăng trưởng vào năm 2023, đã khiến Facebook lần đầu ghi nhận sụt giảm người dùng. Thậm chí với TikTok, tương lai của nền tảng này trong năm mới cũng sẽ gặp thách thức từ giới lập pháp, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký lệnh cấm sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị chính phủ.
Twitter hay TikTok đều là những đối thủ "khó chịu" của Facebook khi cạnh tranh về nền tảng mạng xã hội. Ảnh: News Northeastern. |
Giữa các công ty công nghệ cũng mở rộng và "lấn sân" sang những lĩnh vực của nhau. Tăng trưởng điện toán đám mây của Amazon giảm một phần do Google đang đổ hàng tỷ USD vào lĩnh vực này. Netflix từng là "độc tôn" về phát trực tuyến, song cũng gặp những thách thức từ Disney, Warner Bros, Apple hay Amazon. Điều này đã khiến giá trị của Netflix giảm 50% trong năm 2022.
Tận dụng xu thế trong năm 2023
Dù đối mặt với khó khăn, các công ty công nghệ có thể theo đuổi những xu thế được giới quan sát dự báo có tiềm năng phát triển trong năm tới.
Theo Forbes, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không ngừng được cải tiến và mở rộng ở nhiều thị trường. Xu hướng mua sắm và vận chuyển không tiếp xúc cũng được dự báo tăng mạnh, càng làm tăng thêm nhu cầu về phát triển AI.
Ngoài ra, máy tính lượng tử cũng sẽ là xu hướng được các nước như Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga theo đuổi. Máy tính lượng tử được coi là bước nhảy vọt về công nghệ, kỳ vọng mang đến những máy tính có khả năng xử lý nhanh hơn hàng nghìn tỷ lần so với máy tính hiện nay.
Dù vậy, rủi ro tiềm ẩn là việc phát triển công nghệ này có thể là lợi thế và là quyền lực của quốc gia, khi các phương thức mã hóa hiện tại đều có thể không còn tác dụng. Khi đó, về lý thuyết, một nước có thể vượt qua hàng rào mã hóa của doanh nghiệp, hệ thống an ninh, hay một nước khác.
Trong khi đó, Ellen Thomas, phóng viên về điện toán đám mây, cho rằng năm tới sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, bao gồm cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây, bộ nhớ máy tính, cũng nhiều dịch vụ khác, theo Business Insider.
Khi các hóa đơn về lưu trữ đám mây trở nên đắt đỏ do môi trường kinh tế không chắc chắn, các công ty khởi nghiệp có thể tận dụng cơ hội để cung cấp dịch vụ đám mây với chi phí hợp lý.
Qua thời đỉnh cao
Washington Post nhận định bong bóng công nghệ đã bị vỡ. Sự mở rộng của các công ty công nghệ lớn (Big Tech) trong đại dịch đã dẫn đến tình trạng tuyển dụng ồ ạt, trong khi các công ty khởi nghiệp định giá phi lý.
Điều này đã dẫn đến sự điều chỉnh nhân sự mạnh mẽ trong nửa sau năm 2022. Trong đó, việc mua lại và sa thải nhân sự Twitter của tỷ phú Elon Musk đã trở thành đề tài được bàn tán sôi động trong nửa cuối năm.
Twitter vướng nhiều tranh cãi kể từ khi Elon Musk tiếp quản công ty. Ảnh: Reuters. |
Theo Entrepreneur, hơn 910 công ty công nghệ đã sa thải khoảng 143.000 nhân viên chỉ trong năm 2022. Cộng với nhiều doanh nghiệp vừa và lớn không công khai dữ liệu, con số thực tế có thể lên đến 250.000 người.
Mức lương cũng là một phần ảnh hưởng đến doanh thu của công ty. Mức lương cạnh tranh là công cụ quan trọng để các doanh nghiệp hàng đầu thu hút nhân tài xuất sắc. Tuy vậy, bối cảnh hiện tại đòi hỏi các Big Tech xem xét cẩn trọng và đặt ưu tiên vào hiệu quả hoạt động.
TCI Fund Management, cổ đông của Alphabet (công ty mẹ của Google), đã gửi thư đến CEO Sundar Pichai của Google rằng công ty đã tuyển dụng quá mức.
Tỷ phú Christopher Hohn cho biết mức lương Google đưa ra “cao hơn 67% so với Microsoft và hơn 153% so với 20 công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ”.
Các chính sách giám sát tài chính, kết hợp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh, đang hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn để chống lại tác động của lạm phát, đã khiến giới đầu tư thận trọng khi muốn rót vốn vào lĩnh vực công nghệ.
Cuộc đời tỷ phú Elon Musk
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng. Đây là cuốn tiểu sử kể về hành trình của tỷ phú Musk: Lớn lên trong gia đình không hạnh phúc tại Nam Phi, di cư tới Canada, khởi nghiệp bằng nghề làm sạch nồi hơi trước khi làm nên sự nghiệp tại Mỹ.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.