TP Hội An ngập sâu 1 mét sau trận mưa lớn do bão Noru gây ra. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình và khắc phục hậu quả thiên tai sau bão số 4 (Noru).
Theo người đứng đầu Chính phủ, kết quả ứng phó bão đến thời điểm hiện tại khả quan và tích cực. Đây là điều đáng mừng sau một cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp.
Dù vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương cần khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày 29/9.
"Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước mắt, các địa phương sử dụng quỹ phòng chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để chủ động xử lý, khắc phục các thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ về gạo và kinh phí cho các địa phương.
Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tâm bão Noru đổ bộ vào khu vực giữa Đà Nẵng - Quảng Nam vào 3h-5h sáng 28/9.
Đáng lưu ý, trạm hải văn Sơn Trà ghi nhận mực nước cao nhất lúc 0h ngày 28/9 là 2,4 m - cao hơn trong bão Xangsane hồi tháng 9/2006. Nước dâng do bão kết hợp với thủy triều đã gây ngập tại một số khu vực ven biển ở Huế và Đà Nẵng.
"Với bão số 4, dự báo về hướng di chuyển, thời gian đổ bộ, khu vực đổ bộ là chính xác với cường độ khi đổ bộ nhỏ hơn 1-2 cấp so với dự báo ban đầu", cơ quan khí tượng cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khắc phục hậu quả sau bão số 4, trưa 28/9. Ảnh: VGP. |
Theo dự báo, trong những giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng tây, đi sang khu vực nam Lào và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành vùng áp thấp và tan dần. Từ trưa và chiều 28/9, bão không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.
Dù vậy, chuyên gia cảnh báo mưa lớn do hoàn lưu sau bão đang lan rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ. Trong khi đó, mưa vẫn tiếp diễn ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum.
Trước diễn biến trên, người dân các khu vực trong vùng cảnh báo mưa lớn đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở vùng núi và ngập lụt vùng trũng, khu đô thị.
Thay mặt Ban Chỉ đạo tiền phương báo cáo về những thiệt hại do bão Noru gây ra tại miền Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết bão khiến 4 người bị thương, làm sập 3 căn nhà, 157 nhà bị tốc mái. Quảng Trị là nơi ghi nhận các thiệt hại này do hứng chịu trận lốc xoáy chiều 27/9. Ngoài ra, 3 ghe nhỏ ở Đà Nẵng - Quảng Nam bị chìm.
Về điện lực, gần 9.500 trạm biến áp bị sự cố mất điện, tập trung ở Quảng Nam và Đà Nẵng; đồng thời 15 xã bị mất điện. Hiện, đơn vị liên quan đã khắc phục 535 trạm biến áp.
Gió bão mạnh cũng làm đổ một trụ anten ở Trung tâm truyền thông TP Hội An; hư hỏng hai đồn biên phòng ở Quảng Nam; làm gãy đổ trên 500 cây xanh. Con số thiệt hại vẫn đang tiếp tục được cập nhật.
Nhà chức trách đánh giá mặc dù Noru là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bộ đất liền vào ban đêm, các thiệt hại do bão được giảm thiểu do sự ứng phó kịp thời của cả chính quyền và người dân.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.