Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Điều đang biến mất ở Đan Mạch sau ngày dỡ bỏ biện pháp chống dịch

Với người Việt sống tại Đan Mạch - quốc gia EU đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế - điều thay đổi rõ rệt nhất trong cuộc sống là sự biến mất của khẩu trang và xét nghiệm Covid-19.

Nguoi Viet tai Dan Mach khi duoc do bo han che Covid-19 anh 1

Dọc trên những con phố lát sỏi ở thành phố cổ kính Dragoer, chị Phương Thúy (41 tuổi), đang sống tại Đan Mạch cho hay có rất ít người đi đường đeo khẩu trang.

“Điều tôi cảm thấy thay đổi rõ rệt nhất là sự phấn khởi và vui mừng của mọi người khi cuộc sống được trở lại bình thường, không còn bị ràng buộc bởi quá nhiều lệnh hạn chế”, chị Thúy chia sẻ với Zing.

Gần hai năm sau khi Covid-19 bùng phát, chính phủ Đan Mạch ngày 1/2 thông báo sẽ không coi Covid-19 là dịch bệnh nghiêm trọng và dỡ bỏ mọi hạn chế, trong đó có việc đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín và các phương tiện giao thông công cộng.

Quốc gia nằm trong nhóm thịnh vượng nhất thế giới quay trở lại "bình thường" khi 5,8 triệu dân không còn phải tuân thủ bất cứ biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 nào, ngay cả khi nước này ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày hôm 14/2.

Chị Khánh Linh (29 tuổi), hiện sống tại thủ đô Copenhagen, cho biết mọi hoạt động đều trở lại bình thường. Các hộp đêm, nhà hàng đã đông đúc trở lại, và vào ngày cuối tuần, đường phố lại nhộn nhịp như trước.

“Với trường học và các hoạt động thể thao, văn hóa, việc dỡ bỏ lệnh hạn chế là một sự giải thoát. Cứ như thể hòa bình đã được lập lại trên quê hương”, chị Thúy vui mừng nói thêm.

Trở lại cuộc sống không khẩu trang

Tại Odense - thành phố lớn thứ ba ở Đan Mạch - bà Them Thi Nguyen không giấu nổi niềm vui khi cuộc sống không còn những quy định hạn chế. Giống như nhiều người khác, dù có chút lo sợ, bà cũng nghĩ rằng nhờ có vaccine, Omicron không nguy hiểm như những biến chủng trước đó.

Nguoi Viet tai Dan Mach khi duoc do bo han che Covid-19 anh 6

Chị Phương Thúy (41 tuổi), tại thành phố Dragoer, Đan Mạch.

Giờ đây, đường phố, quán cà phê và cửa hàng tại Đan Mạch lại tấp nập. Hàng chục nghìn người vẫn phải cách ly nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, dù vậy nhân viên được trở lại văn phòng. Quán bar và nhà hàng không còn phải đóng cửa sau 23 giờ, hay yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng.

Chia sẻ với Zing, chị Thúy cho hay người Đan Mạch rất yêu thích các hoạt động cộng đồng, văn hóa và giải trí. Vì vậy khi mở cửa, mọi người đều đổ xô ra ngoài sau một thời gian dài bị gò bó. Điều này được thấy rõ khi chị tới các rạp phim, trung tâm mua sắm - nơi giờ đây lúc nào cũng đông đúc, chứ không “hoang vắng” như cách đây một tháng.

Chị Linh đang làm trong ngành dịch vụ cho biết khi Đan Mạch còn áp đặt các lệnh hạn chế, khách sạn nơi chị làm việc vắng khách hơn. Nhân viên thay phiên nhau nghỉ, dù vẫn được hưởng lương đầy đủ.

Tuy nhiên, sau ngày 1/2, khách sạn đã bắt đầu đông trở lại do có các đoàn khách công tác đến dự hội thảo và nhiều người cũng đến Copenhagen du lịch vì không còn các lệnh hạn chế.

“Tôi đi làm lại bình thường và khách sạn đông khách trở lại nên cũng khá bận rộn. Tuy nhiên, dù lệnh hạn chế đã được dỡ bỏ, giờ đang là mùa đông cho nên không thể so sánh về sự đông đúc như những mùa khác trong năm, khi thời tiết ấm hơn”, chị nói.

Chị cho biết thêm các trung tâm xét nghiệm nhanh cũng dần đóng cửa. Nhận định về điều này, chị đánh giá đây là điều hợp lý, vì không nên tốn thêm nhiều công quỹ vào việc xét nghiệm, khi “Covid-19 đã được coi như một bệnh cúm theo mùa và không quá nguy hiểm”.

"Ở trong nước, mọi người khi nhắc đến nhiễm Covid-19, họ đơn giản xem như kỳ nghỉ dưỡng và cảm cúm, hầu hết chỉ cười khi được báo bị nhiễm", chị Mariam Trinh, sống ở thành phố Tonder, cho hay.

Nguoi Viet tai Dan Mach khi duoc do bo han che Covid-19 anh 12

Chị Mariam Trinh, sống ở thành phố Tonder, Đan Mạch.

Chị cũng nói rằng sự thay đổi lớn nhất khi chính phủ dỡ bỏ hạn chế là không cần phải đeo khẩu trang.

“Cuộc sống trở lại bình thường, dù không hẳn giống với trước khi có dịch, chỉ khác ở việc mọi người vẫn duy trì thói quen rửa tay và giữ khoảng cách khi có thể”, chị Trinh nói.

Thanh Ly, hiện làm việc Đại học Copenhagen, cũng cho biết bản thân không còn đeo khẩu trang vì như bao người Đan Mạch khác, tâm lý mọi người đã trở nên thoải mái hơn, không còn lo lắng, sợ hãi hay áy náy sẽ lây cho người khác khi “Covid-19 không là mối lo ngại”.

Không thể tiếp tục hạn chế

Ngay sau khi Đan Mạch dỡ bỏ hạn chế, chị Thanh Ly đã có chuyến đi đến Italy sau khoảng thời gian dài không thể đi lại vì Covid-19. Chị cho biết không giống như Đan Mạch, nước này vẫn yêu cầu người dân đeo khẩu trang và thậm chí cần tới hai loại. Ở một số địa điểm nhất định như sân bay, người dân phải sử dụng khẩu trang chuyên dụng FFP2.

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ tất cả hạn chế về Covid-19 trong nước. Đầu tháng 2, giới chức Đan Mạch cho biết số ca tử vong tăng chậm hơn nhiều so với số ca mắc, và số bệnh nhân nằm trong ICU ở mức thấp nhất trong nhiều tháng.

Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết đất nước sẽ không thể hoàn toàn vượt qua đại dịch. Dù vậy, ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để “hưởng lợi” từ độc lực ít nghiêm trọng của Omicron và tỷ lệ tiêm chủng cao - 81% dân số tiêm chủng đầy đủ, trong đó có 62% nhận mũi tăng cường.

Trước chính sách dỡ bỏ mọi hạn chế, những người Việt được hỏi cho biết họ hoàn toàn tin vào quyết định của chính phủ Đan Mạch.

Chị Thanh Ly nhận định các lệnh hạn trước đây nhằm “câu giờ” để người dân tiêm mũi thứ ba, tăng cường hệ miễn dịch trước biến chủng Omicron có thời gian lây nhanh. Nhưng khi tỷ lệ tiêm chủng cao, số lượng người nhập viện không tăng, Đan Mạch đã ngay lập tức bãi bỏ vì sợ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong thời điểm dịch bệnh, các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều người mất việc làm và nhiều doanh nghiệp phải đương đầu với thách thức về vốn duy trì. Chính phủ Đan Mạch đã phát các gói trợ cấp nhằm đảm bảo an sinh và trật tự xã hội.

Tuy nhiên, theo chị Thúy, dù Đan Mạch giàu đến đâu, ngân khố cũng có hạn, do đó việc mở lại đất nước để kinh tế được hoạt động bình thường tại thời điểm này là cần thiết, nhằm tránh loạn lòng dân và suy kiệt tài chính.

“Thuế từ các công ty lẫn cá nhân đóng vai trò lớn trong ngân khố quốc gia. Nếu tiếp tục đóng cửa, hạn chế, việc kinh doanh và thu nhập của cá nhân đều không có lối thoát, tất yếu sẽ không thể đóng góp cho ngân sách nhà nước”, chị chia sẻ.

Với chị Mariam Trinh, làm trong lĩnh vực dịch vụ đám cưới, việc dỡ bỏ những hạn chế ở Đan Mạch là điều “không sớm cũng không muộn”.

“Mùa đông vừa đi qua, và xu hướng đi đến không gian mở nhiều hơn, nên việc tháo dỡ hạn chế sẽ giúp người dân trở lại chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh mùa hè sắp tới”, chị nói.

Tuy nhiên, các nhà virus học cho biết không có gì đảm bảo biến chủng đáng quan ngại tiếp theo sẽ “nhẹ nhàng” như Omicron, đồng thời cảnh báo việc mở cửa trở lại của Đan Mạch có thể sớm phản tác dụng.

“Tôi không dám nói rằng đó là lời tạm biệt cuối cùng đối với những hạn chế. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào mùa thu, liệu sẽ có một biến chủng mới hay không”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, chị Thúy nhận định: “Chừng nào thế giới còn chưa hoàn toàn vượt qua dịch bệnh, tôi nghĩ Đan Mạch vẫn nhảy điệu tango - một lùi hai tiến vì đó là những gì tốt nhất họ có thể làm trong khả năng của họ”.

Quốc gia EU đầu tiên trở lại cuộc sống trước đại dịch Covid-19

Đan Mạch đang thử nghiệm một cách tiếp cận táo bạo: Dù số ca mắc liên tục tăng, với hệ thống y tế vững và độ bao phủ vaccine rộng, quốc gia Bắc Âu vẫn dỡ bỏ tất cả hạn chế.

Hàng loạt nước châu Âu 'sổ lồng'

Đan Mạch, Hà Lan, Pháp… nằm trong số các nước châu Âu nới lỏng hoặc dỡ bỏ hạn chế về Covid-19, bất chấp biến chủng Omicron tiếp tục lây lan mạnh ở khu vực.


Minh An - Trần Hoàng

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm